Thu gom nước thải, đạt chuẩn môi trường
Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng, tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) có quy mô 42 ha, nằm trên một cù lao biệt lập. Từ một cù lao sình lầy, đến nay sau gần 20 năm triển khai Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 1 và giai đoạn 2, nơi đây đã trở thành một khu xử lý nước thải hiện đại, có quy mô lớn nhất cả nước với công suất xử lý nước thải 469.000m3/ngày đêm. Công trình được xây dựng nhằm thu gom, xử lý nước thải cho lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-Đôi-Tẻ, một lưu vực thoát nước của trung tâm thành phố với tổng diện tích khoảng 5.000 ha, dân số khoảng 3,6 triệu người.
Ông Đặng Ngọc Hồi, Trưởng ban Điều hành dự án hạ tầng 2 (thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh - chủ đầu tư) cho biết, nước thải ban đầu được thu gom ở toàn bộ lưu vực tuyến kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-Đôi-Tẻ, sau đó theo hệ thống cống bao đưa về trạm bơm Đồng Diều ở Quận 8. Tại trạm này, nước thải được loại bỏ sơ bộ cát, rác, rồi bơm qua tuyến cống chuyển tải về Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng xử lý trước khi đổ ra môi trường. Nguồn nước sạch hơn đổ ngược ra các tuyến kênh cũng giúp giảm ô nhiễm cho khu vực chung quanh.
Từ năm 2009, khi Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 1 cùng hệ thống cống bao thu gom và trạm bơm nước thải Đồng Diều đi vào hoạt động đến nay, có khoảng 650 triệu m3 nước thải trong lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-Đôi-Tẻ được thu gom không xả thẳng ra kênh gây ô nhiễm như trước đây và được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh
Từ đó, mầu xanh trên tuyến kênh Tàu Hủ-Bến Nghé đã từng bước được khôi phục. Dự kiến sau khi dự án Cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 3 được hoàn thành trong giai đoạn 2025-2030, thì toàn bộ các tuyến kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-Đôi-Tẻ sẽ được trả lại mầu xanh, tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, giao thông thủy và nâng cao chất lượng sống của người dân trong lưu vực.
“Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng không chỉ có chức năng xử lý nước thải đơn thuần mà đã được quy hoạch, xây dựng thành một “Điểm đến xanh” với hàng chục héc-ta cây xanh, phòng thí nghiệm, hệ thống quan trắc để trở thành một điểm học tập, đào tạo, tham quan, giáo dục môi trường cho người dân thành phố”, ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.
Kỳ vọng nhà máy là điểm đến xanh!
Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-Đôi-Tẻ (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư 11.300 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản là 9.850 tỷ đồng (chiếm 87% tổng mức đầu tư); nguồn vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 1.450 tỷ đồng (chiếm 13% tổng mức đầu tư).
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố cho biết, nhiều hạng mục, công trình của dự án đã được thi công ở độ sâu 20m dưới mặt đất (trạm bơm Đồng Diều), sâu từ 10-14m dưới mặt đất (tuyến cống bao, trạm bơm nâng) và xây dựng một khu phức hợp ngầm có tổng diện tích 6 ha ở độ sâu 5m trong Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng để lắp đặt các đường ống kỹ thuật, các máy bơm... phục vụ vận hành nhà máy.
Dự án đã triển khai trên nhiều tuyến đường có mật độ giao thông cao, nhiều khu vực liên tục bị ảnh hưởng của triều cường, nền đất yếu, địa chất phức tạp, thông tin về hệ thống công trình ngầm không đầy đủ và chưa chính xác..., đòi hỏi các đơn vị phải cố gắng vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bùi Xuân Cường chia sẻ: Thành phố Hồ Chí Minh luôn xem việc bảo vệ môi trường, tăng cường mảng xanh, xử lý rác thải, nước thải, cải tạo kênh rạch, cải thiện cuộc sống cho người dân sống trên và ven kênh, rạch là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
Một trong hai nhiệm vụ trọng tâm thành phố phấn đấu triển khai thực hiện đến năm 2030 là, công tác thu gom và xử lý 100% lượng nước thải sinh hoạt tại 12 lưu vực thoát nước của thành phố với tổng khối lượng khoảng 3 triệu m3/ngày. Kết quả khi đưa Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng vào vận hành sẽ nâng tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải của thành phố từ 20,6% lên 40,8% và dự kiến đạt 71,3% vào năm 2025, sau khi Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè với công suất 480.000m3/ngày đêm được đưa vào hoạt động.
“Đơn vị có nhiệm vụ quản lý, vận hành các hạng mục công trình, cần nghiên cứu đề xuất để Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng trở thành một điểm đến xanh, một cơ sở nghiên cứu, đào tạo, tham quan, giới thiệu, tuyên truyền về công nghệ xử lý nước thải, về bảo vệ môi trường nước, bảo vệ thiên nhiên, cùng lối sống xanh cho người dân thành phố”, Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường lưu ý.
Dự án hoàn thành không chỉ cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nước mà còn giảm đáng kể tình trạng ngập lụt ở khu vực phía nam thành phố. Sắp tới, JICA sẽ phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị và triển khai dự án Cải thiện Môi trường nước thành phố giai đoạn 3.
Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam
Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 2 gồm sáu gói thầu xây lắp, có quy mô và khối lượng thi công, các hạng mục rất lớn. Địa bàn thi công trải dài qua địa bàn tám quận, huyện với tổng diện tích lưu vực hơn 2.500 ha, dân số khoảng 1,8 triệu người. Dự án đã xây dựng tổng cộng 17 km cống tròn, cống hộp thoát nước mưa; xây dựng 34 km cống bao thu gom nước thải có đường kính tối đa 1,8m cùng 156 giếng tách dòng và nâng công suất trạm bơm Đồng Diều và Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng lên đến 469.000 m3/ngày đêm. Nạo vét, kè bờ 6,5 km các tuyến kênh trong lưu vực...