Cơ hội tiến sâu hơn vào kỷ nguyên AI

Hội nghị Trí tuệ nhân tạo tạo sinh 2024 (GenAI Summit 2024) với chủ đề “Chân Trời Mới” vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia và nhà đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ công nghiệp bán dẫn. Các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và tiềm năng Việt Nam sẽ trở thành hub (điểm kết nối chung cho các thiết bị trong mạng) công nghệ của khu vực.
Tiến sĩ Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google, phát biểu tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo tạo sinh 2024.
Tiến sĩ Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google, phát biểu tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo tạo sinh 2024.

Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng AI

Lần đầu tổ chức GenAI Summit 2024 tại Việt Nam, Ban tổ chức hội nghị mong muốn giúp Việt Nam tiến sâu hơn vào kỷ nguyên AI. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng các bên liên quan chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và tìm kiếm cơ hội hợp tác để nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường AI toàn cầu.

Chia sẻ về mục tiêu của Việt Nam với ngành bán dẫn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam hiện là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm, được đánh giá là một trong các quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ. Năm qua, Việt Nam tích cực hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, nhất là từ Hoa Kỳ như NVIDIA, Google, META để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong các ngành chiến lược và tiềm năng như AI, bán dẫn.

Theo Thundermark Capital, Việt Nam và Singapore là hai đại diện của Đông Nam Á góp mặt trong tốp 30 thế giới về nghiên cứu AI. Google dự đoán đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hằng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt 1.733 nghìn tỷ đồng (khoảng 74 tỷ USD), và AI sẽ có đóng góp lớn trong các lĩnh vực kinh tế số.

Tại GenAI Summit 2024, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiến sĩ Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google tiết lộ những đột phá trong trí tuệ nhân tạo tạo sinh thông qua các mô hình Gemini tiên tiến của Google. Ông nhấn mạnh cách mà Gemini 1.5 Pro (hạ tầng AI cách mạng của Google) xuất sắc trong việc xử lý các ngữ cảnh dữ liệu rộng lớn bao gồm văn bản, âm thanh, hình ảnh và video.

“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một mô hình tất cả trong một, giải quyết các thử thách về văn bản, hình ảnh, âm thanh và video dưới một mái nhà”, Tiến sĩ Jeff Dean cho biết. Khả năng đột phá này cho phép Gemini đối đầu với những tương tác phức tạp trong AI, vượt trội so với các công nghệ trước đây như GPT-4 của OpenAI. Tiến sĩ Jeff Dean cũng đề cao các khía cạnh đạo đức của phát triển AI, ủng hộ bảy nguyên tắc hướng dẫn của Google để bảo đảm AI phục vụ lợi ích xã hội và tính bảo mật được tích hợp trong thiết kế. Tập trung vào các ứng dụng thực tiễn, những tiến bộ của Gemini đang chứng tỏ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nâng cao khả năng chẩn đoán và giám sát môi trường.

Khẳng định tính hiệu quả khi áp dụng AI trong công tác điều hành, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị sáng lập Tập đoàn Sovico cho biết, AI là trọng tâm đổi mới sáng tạo mà tập đoàn đang theo đuổi, trong đó có các ứng dụng AI, nhất là AI tạo sinh. Việc ứng dụng các công nghệ sẽ thúc đẩy cải thiện cuộc sống và AI hiện đang được áp dụng ở nhiều hoạt động kinh doanh của tập đoàn như bảo trì vận hành, tối ưu hóa kinh doanh, hỗ trợ khách hàng check-in mua vé máy bay, quản lý đội tàu, kiểm tra các mặt kỹ thuật... Sức mạnh của AI không chỉ liên quan tới vận hành trong kinh doanh mà còn kết nối lâu dài với các bên liên quan, gia tăng tương tác với khách hàng và tăng sự trung thành của khách hàng.

Đào tạo hàng nghìn chuyên gia AI

Hiện nay, AI được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ y tế, giáo dục đến sản xuất, nông nghiệp… Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam có hai lĩnh vực có thể ứng dụng tốt AI, đó là y tế và giáo dục. Muốn vậy, Việt Nam cần xây dựng tốt cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực.

Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ xây dựng “Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050” với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 5.000 nhân sự trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phối hợp các đối tác, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Ứng dụng AI để phục vụ ươm tạo doanh nghiệp AI, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng AI và đào tạo chuyên sâu về AI; mục tiêu là đến năm 2030, sẽ đào tạo được 7.000 chuyên gia AI theo tiêu chuẩn quốc tế và ươm tạo khoảng 500 công ty khởi nghiệp AI.

Đề xuất giải pháp chuẩn bị nguồn nhân lực AI, tiến sĩ Vũ Duy Thức, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc điều hành OhmniLabs, đồng sáng lập Công ty New Turing Institute (NTI) cho rằng, đào tạo nhân lực cho lĩnh vực AI cần cơ sở hạ tầng tính toán rất lớn, trong khi Việt nam chưa có trung tâm dữ liệu cho việc đào tạo nhân lực này.

Vì vậy, cần có sự hợp tác của cơ quan chức năng ở Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài để xây dựng các trung tâm này. “Theo tôi, để đào tạo hiệu quả nhất là kết hợp ba hướng, đó là đưa chương trình đào tạo mới nhất từ Silicon Valley về Việt Nam. Chúng ta phải kết hợp việc đào tạo với nghiên cứu, đây là vấn đề cốt lõi. Chúng ta có nghiên cứu thì mới có tài năng AI. Làm sao chúng ta kết hợp được giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để đào tạo”, ông Thức nhấn mạnh.