Chiều 14-7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao phối hợp các tổ chức quốc tế tổ chức Diễn đàn quốc tế về tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0.
Chương trình mang chủ đề “Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam” nhân dịp kỷ niệm Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 15/7.
Phát triển kỹ năng và tạo việc làm cho thanh niên thời kỳ hậu Covid-19
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã nêu rõ định hướng phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm tới là: Phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành một nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tiếp tục phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược.
Vì vậy, để duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia. Tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, nhưng muốn đổi mới, sáng tạo, thì phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ.
*Hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 15/7/2021, Liên hợp quốc chọn thông điệp "Tái định hình kỹ năng thanh niên hậu dịch bệnh" nhằm thúc đẩy các giải pháp cần thiết tái định hình kỹ năng cho thanh niên trẻ hậu đại dịch theo cách không chỉ từ những thực tế hiện tại mà cần xem xét toàn diện các khả năng có thể xảy ra trong tương lai.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, lao động thanh niên cần được đặc biệt quan tâm đào tạo và phát triển nâng tầm kỹ năng. Do đó, để đạt được các mục tiêu đề ra về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Chính phủ Việt Nam xác định cần đặc biệt quan tâm đến phát triển kỹ năng và tạo việc làm cho thanh niên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam
Chia sẻ về thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ) cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến quý II/2021, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 51,1 triệu người, trong đó lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 26,1%. Như vậy, số lao động chưa qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, chưa được công nhận trình độ (kỹ năng, đào tạo) là 73,9%... Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Hiện, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang tập trung xây dựng đề án “Nâng cao kỹ năng lao động Việt Nam” theo yêu cầu tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo Vụ trưởng Nguyễn Chí Trường, Đề án nhằm phát triển nâng tầm kỹ năng và năng lực hành nghề người lao động Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, phát triển các kỹ năng cơ bản, nền tảng cho người lao động, đồng thời hình thành đội ngũ lao động tương lai có tính chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá, thích ứng linh hoạt và sáng tạo đáp ứng nhu cầu tìm việc làm, tự tạo việc làm bền vững, chuyển đổi và thăng tiến nghề nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, tăng năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Đề án dự kiến hướng tới đối tượng người lao động ở các giai đoạn phát triển nghề nghiệp khác nhau, tập trung các giải pháp xác định và bù đắp sự thiếu hụt kỹ năng của người lao động nhằm giảm chi phí, thời gian đào tạo, từ đó tăng hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, năng lực hành nghề cho người lao động…
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp công bố 10 Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam năm 2021 với thời hạn 3 năm
1. Trương Thế Diệu, Huy chương Bạc nghề Phay CNC tại kỳ thi KNN thế giới năm 2019.
2. Đặng Quang Phong, Huy Chương vàng nghề Xây gạch tại kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2014, Chứng chỉ kỹ năng nghề Xuất sắc Kỳ thi KNN thế giới năm 2015.
3. Thi Quốc Vinh, Huy chương Bạc nghề Cơ Điện tử tại kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2012; Chứng chỉ kỹ năng nghề Xuất sắc Kỳ thi KNN thế giới năm 2013
4. Nhữ Thị Phương, Huy chương Bạc nghề Dịch vụ nhà hàng tại kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2012; Chứng chỉ kỹ năng nghề Xuất sắc Kỳ thi KNN thế giới năm 2013.
5. Phan Văn Quốc, Chứng chỉ Kỹ năng nghề Xuất sắc Nghề Tiện CNC Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019.
6. Nguyễn Thái Phương, Chứng chỉ Kỹ năng nghề Xuất sắc Nghề Công nghệ nước Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019.
7. Nguyễn Đức Lợi, Huy Chương vàng nghề Bảo trì máy CNC tại kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2018.
8. Cao Văn Minh, Huy Chương vàng nghề Bảo trì máy CNC tại kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2018.
9. Nguyễn Thị Huyền Trang, Huy chương Bạc nghề Dịch vụ nhà hàng tại kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2005.
10. Nguyễn Thị Doan, Huy chương Đồng nghề Công nghệ thời trang tại kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2018.