Bài 1: An cư, lạc nghiệp ở vùng biên viễn
Thời gian qua, các tỉnh vùng biên giới Tây Nam Bộ đã có nhiều giải pháp tạo việc làm, giúp người dân có thu nhập ổn định. Đồng thời, nhiều người dân cũng nỗ lực vươn lên, tận dụng lợi thế tại chỗ để phát triển kinh tế.
Dọc tuyến biên giới Tây Nam Bộ, nhiều cách làm, mô hình tốt của các địa phương đã ổn định chỗ ở, tạo sinh kế để người dân an cư, lạc nghiệp lâu dài.
Giúp người dân an cư
Gần 21 giờ, tiếng còi xe, tiếng nói cười vẫn rộn vang cả một vùng quê ở xã biên giới Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Tân Hộ Cơ có bốn ấp, trong đó ba ấp giáp Campuchia với đường biên giới dài 10,5km. Địa bàn xã có Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và Cửa khẩu phụ Bình Phú; có chợ phiên trâu, bò. Toàn xã có bốn cụm, một tuyến dân cư biên giới, đã bố trí cho 1.084 hộ dân vào ở. Phó Bí thư Chi bộ ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ Đỗ Văn Thanh chia sẻ, cách đây không lâu, vùng quê này buồn lắm, hơn 19 giờ, ngoài đường đã vắng hoe. Hiện nay, nhiều người dân ở các cụm, tuyến dân cư đã có việc làm lúc nhàn rỗi, giúp họ bám trụ với quê hương, từ đó, lớp con, cháu tiếp tục chọn xứ sở biên giới này để gắn bó lâu dài…
Tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, từ cuối năm 2020, hơn 200 hộ dân được bố trí xây cất nhà trên tuyến dân cư biên giới Nam Vĩnh Tế, xã Tân Khánh Hòa. Ngoài nền nhà, các hộ dân được hỗ trợ 35 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà cửa. Anh Trương Văn Tèo có nhà ở tuyến dân cư biên giới Nam Vĩnh Tế cho biết: “Điện, đường, trường, trạm ở đây đầy đủ, người dân yên tâm lập nghiệp. Con lộ ở đây cũng rộng rãi, thuận lợi cho xe tải vào tận nơi thu mua lúa, dưa hấu của người dân, nhờ đó giá cao hơn việc đi tìm tư thương để bán”.
Tỉnh Long An có đường biên giới giáp Campuchia dài khoảng 134km; có Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, Cửa khẩu phụ Hưng Điền A và 28 lối mở. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An, Nguyễn Văn Trang, toàn tỉnh có 165 cụm, tuyến dân cư vượt lũ tại 10 huyện, thị xã với gần 34.000 nền nhà. Trong đó, có 20.000 nền tái định cư cấp cho hộ dân trong diện được hỗ trợ, còn lại là nền sinh lợi, tổng vốn đầu tư dự án gần 940 tỷ đồng. Qua 22 năm (từ năm 2001), đến nay đã có khoảng 30.000 lô, nền bàn giao cho người dân và gần 20.000 căn nhà đã xây xong, có người vào ở.
Trước đây, huyện (giờ là thị xã) Tịnh Biên được tỉnh An Giang và Trung ương đầu tư xây dựng nhiều cụm, tuyến dân cư vượt lũ nhằm ổn định cuộc sống của người dân ở vùng biên giới này. Mới đây, Đảng bộ, chính quyền và người dân Tịnh Biên vui mừng tổ chức lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị xã Tịnh Biên. Tại sự kiện quan trọng này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Thị xã Tịnh Biên được thành lập là niềm vinh dự, sự cổ vũ to lớn; đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề cần phải tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, tập trung xây dựng và phát triển thị xã Tịnh Biên theo hướng văn minh, hiện đại…”.
Tạo thêm sinh kế cho người dân
Ông Nguyễn Văn Ru ở ấp Hòa Khánh là một trong bảy hộ dân của xã Tân Khánh Hòa được hỗ trợ từ dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang” do tổ chức Heifer Project International tài trợ (dự án Heifer). Từ năm 2021, gia đình ông được hỗ trợ một bò cái sinh sản, tiền làm chuồng, cỏ giống. Sau gần ba năm, bò cái đã đẻ lứa đầu được một bê đực và chuẩn bị đẻ lứa thứ hai.
Bên cạnh đó, gia đình ông Ru còn nuôi tám con bò thịt đang phát triển tốt. Đầu năm 2023, ông Ru xuất bán hai con bò thịt được 30 triệu đồng. “Ngoài nuôi bò, vợ chồng tôi còn trồng 4ha lúa, mỗi năm, trừ chi phí, lợi nhuận hơn 150 triệu đồng. Vợ chồng tôi tính sẽ cất nhà mới khang trang hơn”, ông Ru bộc bạch.
Đến nay, toàn huyện Giang Thành đã hỗ trợ 27 hộ 27 con bò sinh sản. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giang Thành, Nguyễn Thành Được cho biết, bước đầu cho thấy, sau khi chuyển giao mỗi thành viên dự án một bò mẹ (trị giá 30-35 triệu đồng) để nuôi, sau mỗi năm, mỗi gia đình có nguồn thu là một bê con một năm tuổi trị giá 10-12 triệu đồng. Đây là một nguồn thu nhập không nhỏ đối với hộ nông dân nghèo, đồng bào dân tộc Khmer.
Nhiều năm nay, nhờ công trình thoát lũ ra biển Tây xổ phèn, rửa mặn cho vùng Tứ giác Long Xuyên nên đất đai ở Giang Thành cũng được cải tạo. Cây lúa, hoa màu đã phủ xanh đồng ruộng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân. Huyện cũng đã triển khai nhiều chương trình, mô hình sản xuất “đa con, đa canh” giúp thu nhập của nhiều nông dân tăng lên so với trước…
Cơ sở sản xuất khô Ba Khía ở xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp chính thức được thành lập từ năm 2018. Đến nay, cơ sở này có sáu sản phẩm từ các loại khô được công nhận OCOP, tạo được việc làm cho bảy lao động, cao điểm hơn 10 người, thu nhập bình quân khoảng 300 nghìn đồng/người/ngày.
Sản phẩm của cơ sở được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất sang Campuchia. Chủ cơ sở sản xuất khô Ba Khía Dương Thị Hồng Chuyên tâm sự: “Từ nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ, tôi muốn tạo thêm sản phẩm đặc thù của địa phương và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân cùng quê, giúp họ có được cuộc sống ổn định hơn”.
Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Hộ Cơ đang hình thành hai điểm du lịch sinh thái là vườn dừa 12ha ở ấp Đuôi Tôm và vườn tre 5ha tại ấp Chiến Thắng với bộ sưu tập 170 loài tre. Đây là điều mà người dân vùng biên giới, thậm chí người dân các địa phương khác ở Đồng Tháp, hết sức bất ngờ.
Có mặt tại vườn tre của ông Lê Thanh Nghĩa ở ấp Chiến Thắng, chúng tôi ngỡ ngàng trước một khoảng không gian xanh mướt với những hàng tre được tạo dáng tuyệt đẹp. Ông Nghĩa tâm sự: “Suốt ba năm qua, tôi đã sưu tầm, lấp đất, chăm sóc và chi hơn 20 tỷ đồng giờ có được một vườn tre theo kiến trúc mê cung tre. Tôi mong muốn được hỗ trợ thêm nguồn vốn để phát triển du lịch”…
Từ ngày có Trạm bơm 3/2 đưa nước về phục vụ canh tác khoảng 1.500ha đất, cánh đồng chạy dài qua các ấp Tô Pi, Soài Chếk, Chơn Cô thuộc xã An Cư, thị xã Tịnh Biên luôn phủ một mầu xanh mượt, dù đang giữa cao điểm nắng nóng. Anh Chau Út ở xã An Cư bộc bạch, những năm trước làm nông nghiệp cực lắm, từ khi có trạm bơm, việc làm rẫy, trồng lúa không còn lo thiếu nước nữa, thu nhập cũng khá hơn.
Ông Chau Rươn cũng ở xã An Cư kể, ông có 10 công đất, lúc trước chỉ sản xuất một vụ lúa nên cuộc sống khó khăn. Khi có trạm bơm, mỗi năm ông sản xuất hai vụ lúa, cuộc sống gia đình đã khá lên. Chủ động nguồn nước tưới, nhiều nông dân Khmer ở đây cũng đã canh tác mỗi năm hai đến ba vụ, nâng giá trị sản xuất lên 80 triệu đồng/ha/năm.
Được xác định là đô thị động lực phía tây tỉnh An Giang và cả vùng Tây Nam Bộ, Tịnh Biên đang từng ngày vươn lên. Tuy vậy, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Tịnh Biên, Phạm Thành Nhơn tâm sự : “Tịnh Biên cần phải nỗ lực phấn đấu quyết liệt để từng bước hoàn thiện tiêu chí đô thị loại IV và tiến tới đô thị loại III cũng như bảo đảm về cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn thị xã ngày càng hoàn thiện…”.
(Còn nữa)