Phát triển kinh tế tuần hoàn nền móng của tăng trưởng xanh

NDO - “Đối với kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi, việc bảo vệ, gìn giữ môi trường là hết sức cần thiết. Đây cũng được cho là gốc rễ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.
0:00 / 0:00
0:00
Đối với kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi, việc bảo vệ, gìn giữ môi trường là hết sức cần thiết.
Đối với kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi, việc bảo vệ, gìn giữ môi trường là hết sức cần thiết.

Đó là khẳng định của ông Dương Tất Thắng Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức”, được tổ chức ngày 21/3, tại Hà Nội.

Kinh tế tuần hoàn xu thế tất yếu trong phát triển chăn nuôi

Theo ông Thắng, nhìn lại quá trình phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian qua, có thể khẳng định rằng, ngành chăn nuôi đã có những bước tiến mạnh mẽ với sự vào cuộc Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương.

“Với tổng đàn lợn đạt xấp xỉ 30 triệu con, gia cầm đạt trên 500 triệu con và gia súc đạt trên 12 triệu, chúng ta có một hệ sinh thái chăn nuôi đồ sộ, bảo đảm nhu cầu lương thực, thực phẩm cho hơn 100 triệu dân, xuất khẩu và sinh kế cho chục triệu hộ nông dân”, ông Thắng cho biết.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật tương đồng với thế giới và khu vực. Đây là lợi thế khi ngành chăn nuôi tham gia những sân chơi lớn.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng chỉ ra những hạn chế nhất định của ngành như vấn đề tiêu thụ, kết nối thị trường, dịch bệnh, ảnh hưởng về phát thải, xử lý chất thải chăn nuôi. Chính vì vậy, qua diễn đàn có thể thấy rằng kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu, mang lại những lợi ích thiết thực như nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sảm phẩm chăn nuôi, kết nối hài hòa lợi ích lâu dài giữa các ngành khác nhau (chăn nuôi, trồng trọt...).

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng nhấn mạnh rằng đối với kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi, việc bảo vệ, gìn giữ môi trường là hết sức cần thiết. kinh tế tuần hoàn cũng được cho là gốc rễ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

“Nguyên tắc cốt lõi của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là giảm chi phí, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra chu trình khép kín giữa các ngành khác nhau như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghệ chế biến”, ông Thắng cho biết.

Nếu như từ xưa, vấn đề tuần hoàn trong chăn nuôi đã được thể hiện qua nhiều mô hình như VAC, VACR, lúa-cá-vịt, xử lý rơm cho chế biến phân bón vi sinh... Tuy nhiên, đến nay với quy mô chăn nuôi lớn hơn, cần bước đi bền vững hơn, cách tiếp cận mới hơn, phù hợp hơn với xu hướng thế giới và khu vực.

Tại diễn đàn, đại diện Cục Chăn nuôi cũng nhấn mạnh rằng cần áp dụng khoa học công nghệ trên thế giới, khu vực, và sáng kiến từ doanh nghiệp các nhà khoa học trong nước và nước ngoài để xử lý phụ phẩm chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo môi trường. Theo ông Thắng, đây cũng là một điểm nghẽn khi xây dựng chính sách cho ngành chăn nuôi.

“Phía Cục Chăn nuôi trân trọng các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Phía Cục Chăn nuôi đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ như Cục Trồng trọt, Cục hợp tác xã, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng chính sách phù hợp cho chăn nuôi trong giai đoạn tới”, ông Thắng nói.

Kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn từ các nước phát triển

Chia sẻ tại Diễn đàn, TS Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp-nông thôn (IPSARD) dẫn một số kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn (kinh tế tuần hoàn) trong nông nghiệp của các nước Hà Lan, Úc, Trung Quốc mà Việt Nam có thể học hỏi.

Đối với phát triển và nhân rộng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, ông Phong cho biết Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức như nhận thức về kinh tế tuần hoàn tại quy mô doanh nghiệp nhỏ-vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn, hợp tác xã còn sơ khai, tâm lý ngại rủi ro, mức đầu tư cho các mô hình tái chế lớn, khung luật pháp chưa hoàn thiện.

Trên cơ sở phân tích những hạn chế trên, đại diện IPSARD đưa ra một số giải pháp. Thứ nhất, cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó hoàn thiện cơ chế chính sách để đưa ra quy chuẩn sản xuất và thương mại hóa.

Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất áp dụng công nghệ về kinh tế tuần hoàn. Thứ ba, cần thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế.

Thứ ba, cần xây dựng chiến lược truyền thông ở các cấp, gắn với các hoạt động khuyến nông.

Thứ tư là thúc đẩy số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu về kinh tế tuần hoàn.