Phát triển, gắn kết mô hình mỗi xã một sản phẩm trong khối ASEAN

NDO - Sáng 29/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Thiết lập mạng lưới phát triển ngành nghề nông thôn ASEAN theo mô hình Mỗi xã một sản phẩm".
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện nhiều nước trong khu vực ASEAN tham dự hội thảo.
Đại diện nhiều nước trong khu vực ASEAN tham dự hội thảo.

Cụ thể, việc xây dựng mạng lưới Phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn khối ASEAN theo Mô hình mỗi làng, xã một sản phẩm nhằm mục đích sau:

Hợp tác, hỗ trợ và kết nối giữa các nước ASEAN; qua đó, hướng tới thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đối tác và mạng lưới nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của khu vực nông thôn, thúc đẩy sức sáng tạo của cộng đồng trong phát triển ngành nghề nông thôn gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia vì sự thịnh vượng chung của khu vực nông thôn ASEAN.

Chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng các chính sách, giải pháp, mô hình phát triển sinh kế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP.

Kết nối quảng bá để hỗ trợ phát triển thương mại sản phẩm ngành nghề nông thôn - OCOP (trong và ngoài nước) của các quốc gia ASEAN, góp phần giới thiệu, kết nối thị trường, hình thành mạng lưới thương mại hiệu quả và bền vững giữa các quốc gia đối với các sản phẩm ngành nghề nông thôn.

Huy động nguồn tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật các đối tác ngoài ASEAN cho việc phát triển ngành nghề nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, chia sẻ sự hiểu biết và kiến thức nền tảng giữa ASEAN và các đối tác của ASEAN ở cấp quốc gia và khu vực.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh cho biết: Chỉ tính giai đoạn 2018-2020, Việt Nam đã huy động được gần 1 tỷ USD triển khai Chương trình OCOP.

Đến nay, Việt Nam có 8.340 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 80% là thực phẩm, 10% sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 4.273 chủ thể OCOP, trong đó 64,9% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã. Hơn 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng (bình quân tăng 17,6%/năm), giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc, với dân số các nước ASEAN gần 650 triệu người và lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực trong năm 2019 là 144 triệu khách, doanh thu dự kiến của các sản phẩm nông thôn cho thị trường du lịch có thể đạt 7,5 tỷ USD...

Đến nay, Việt Nam có 8.340 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 80% là thực phẩm, 10% sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 4.273 chủ thể OCOP, trong đó 64,9% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã. Hơn 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng (bình quân tăng 17,6%/năm), giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các quốc gia trong ASEAN cho rằng, để Chương trình ngày càng phát triển cần có sự vào cuộc, hỗ trợ của Nhà nước trong việc tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của chương trình cũng như sự nỗ lực của người dân, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm...

Bên cạnh đó, việc tìm đầu ra, phát triển thị trường tiêu thụ cũng hết sức quan trọng cần được tập trung triển khai... Các nước trong khu vực cần có sự liên kết để thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân...

Trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình OCOP của Việt Nam lấy trọng tâm là phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa.

Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP, ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp.

Trong 3 năm đầu tiên, Việt Nam sẽ chủ trì và tổ chức các hoạt động của Mạng lưới (gồm diễn đàn quốc tế, hội chợ quốc tế). Sau năm thứ 3, các quốc gia ASEAN sẽ xem xét các hoạt động của Mạng lưới và thảo luận về các kế hoạch hành động khả thi trong thời gian tiếp theo.