Hội nghị trực tuyến Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN - OECD

NDO -

Chiều 11-8, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ Việt Nam phối hợp Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), một số cơ quan, tổ chức quốc tế tổ chức Phiên họp thứ nhất của Hội nghị trực tuyến Mạng lưới thực hành Quy định tốt ASEAN - OECD (GRPN) lần thứ 6 với chủ đề "Quy định tốt hơn để khôi phục sau đại dịch Covid-19".

Hội nghị trực tuyến Mạng lưới thực hành Quy định tốt ASEAN - OECD lần thứ 6.
Hội nghị trực tuyến Mạng lưới thực hành Quy định tốt ASEAN - OECD lần thứ 6.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam Gareth Ward đồng chủ trì hội nghị.

Tại một số đầu trực tuyến trên thế giới có Phó Tổng Thư ký OECD Jeffrey Schlagenhauf; lãnh đạo một số bộ, cơ quan của New Zealand, các nước ASEAN.

Hội nghị nhằm chia sẻ những quan điểm về cắt giảm gánh nặng quy định với trọng tâm đặt mục tiêu phát triển hướng tới một nền "quy định tốt hơn" có tâm điểm là những quy định được thiết kế tốt để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ xã hội.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, mặc dù, hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng với chủ đề thiết thực, với sự chia sẻ các quốc gia OECD, ASEAN, hội nghị sẽ lan tỏa mạnh mẽ tinh thần cải cách hành chính, giúp doanh nghiệp (DN) vượt khủng hoảng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cung ứng hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng. Dù dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng quyết tâm của cả người dân, Việt Nam quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép. Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, chi phí thấp. Cùng với đó, Việt Nam cũng chú trọng giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam cam kết nỗ lực cùng phối hợp với các tổ chức quốc tế, để giải quyết các vấn đề quốc tế.

Phó Tổng Thư ký OECD Jeffrey Schlagenhauf cam kết, về phía OECD phối hợp chặt Việt Nam và các  thành viên ASEAN để thực hiện các chương trình liên quan hội nghị. Đây là chương trình hợp tác hiệu quả để cải cách quy định cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi hơn. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra trên thế giới ảnh hưởng tiêu cực sự phát triển kinh tế-xã hội; dự báo tăng trưởng kinh tế của toàn cầu giảm 6% nếu làn sóng thứ 2 bùng phát mạnh mẽ và đến năm 2021, những hậu quả của đại dịch Covid-19 sẽ vượt xa các đại dịch từ trước đến nay trong lịch sử nhân loại, do đó thế giới phải hợp tác chặt chẽ đối phó đại dịch này. Trong khi đó, các DN vừa và nhỏ ASEAN được đánh giá là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch. Do đó, OECD và ASEAN cần hợp tác để hỗ trợ các DN này, các hộ kinh doanh gia đình.

Trong bối cảnh đó, việc cải cách chính sách là yếu tố hết sức quan trọng. Việc tạo dựng một môi trường quy định tốt là tâm điểm của GRPN để chúng ta khôi phục hoạt động sau đại dịch. OECD đánh giá cao sự hợp tác này trong việc đổi mới quy định, đưa ra các chính sách tốt hơn giúp người dân, DN có môi trường thuận lợi. OECD coi đây là mối quan hệ hợp tác chia sẻ, là chủ đề xuyên suốt trong hợp tác OECD - ASEAN.

Hiện OECD đang có chương trình nghiên cứu ảnh hưởng của đại dịch, trong đó tập trung giảm gánh nặng chi phí hành chính, và các kết quả này sẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch, bảo đảm xây dựng các nền kinh tế ổn định, bao trùm, hỗ trợ người dân và DN hiệu quả. GRPN hỗ trợ tốt hơn quá trình này, tăng cường củng cố khung chính sách. OECD tự hào được tham gia các chương trình hợp tác ASEAN giúp các quốc gia vượt qua đại dịch Covid-19. Điều quan trọng chúng ta cần tăng cường hợp tác và đoàn kết.

Đại sứ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam Gareth Ward đánh giá, Chính phủ Việt Nam ứng phó rất tốt trong bối cảnh mới của đại dịch. Ông bày tỏ sự chia sẻ tổn thất do đại dịch trong các quốc gia thành viên GRPN. Việt Nam đã tích cực phòng ngừa. Vương quốc Anh có công dân bị Covid-19 được Việt Nam chữa trị thành công. Sự hợp tác này của Việt Nam thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính. ASEAN là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, thậm chí trong bối cảnh Covid-19, Việt Nam sẽ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới.

Vương quốc Anh sẽ đẩy mạnh hợp tác với ASEAN trên các lĩnh vực. Vương quốc Anh cũng luôn tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính. Thí dụ, chúng ta cần nghiên cứu, cải tiến thủ tục để đưa ra thị trường nhanh nhất vaccine ngừa Covid-19 và bảo đảm mọi người dân có thể tiếp cận vaccine này.

Tại hội nghị, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) trình báo báo cáo cho thấy, cải cách và cắt giảm gánh nặng quy định và thủ tục hành chính là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Trong đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc cải cách này. Theo đó, Chính phủ ưu tiên hỗ trợ DN vượt qua đại dịch, tạo nền tảng lâu dài, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam mong muốn chia sẻ cách tiếp cận, các kết quả đạt được và kế hoạch tiếp theo với GRPN, tiếp thu góp ý và học hỏi kinh nghiệm.