Báo cáo với đoàn công tác của thành phố, Bí thư Đảng ủy xã Lê Thị Thu Hà cho biết, Hòa Bắc là vùng đệm giữa hai khu bảo tồn thiên nhiên lớn của cả nước là Vườn quốc gia Bạch Mã và Bà Nà-Núi Chúa, là địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng do diện tích lớn, giáp với nhiều xã của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, có đường cao tốc bắc nam phía đông đi qua; địa hình, khí hậu đa dạng và tương đối khác biệt so với các địa phương khác ở Đà Nẵng.
Thời gian qua, Đảng bộ xã luôn nhận được sự quan tâm từ thành phố, huyện… phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của tập thể lãnh đạo, cán bộ và nhân dân xã đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng-an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, hoạt động của Mặt trận, đoàn thể có nhiều chuyển biến, đạt được nhiều kết quả.
Với ưu thế miền núi, cảnh quan đẹp, hoang sơ, đời sống nhân dân dựa hẳn vào nông nghiệp, xã đang tập trung vào định hướng phát triển du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa với cộng đồng người Cơ Tu sinh sống tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí), du lịch gắn với nông nghiệp.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và chưa tạo được sự kết nối liên hoàn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Việc phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những hướng đi đã xác định, là một trong ba chương trình đột phá trong nhiệm kỳ để tạo thu nhập cho người dân, để người dân không tác động vào rừng. Nhưng một thực tế đang đối mặt với “rào cản” vô hình là cơ chế, chính sách về đất đai hiện khiến nhiều nhiều nông dân khó tiếp cận.
Đời sống nhân dân còn khó khăn, thiếu vốn đầu tư phát triển du lịch; công tác bảo vệ môi trường gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo đảm quốc phòng-an ninh đang gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong các quy định về sử dụng đất, về cơ chế quản lý, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp…
Du khách trải nghiệm âm nhạc truyền thống của người Cơ Tu. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, là địa bàn chiến lược về nhiều mặt, nhưng do chia cắt về địa hình, giao thông, Hòa Bắc vẫn là xã nghèo của thành phố.
Từ nhiều năm qua, Đảng ủy, Chính quyền xã đã năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, tạo xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế xã hội, trong thực hiện việc học tập, làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Quảng yêu cầu chính quyền thành phố, huyện Hòa Vang, các sở, ngành hỗ trợ Hòa Bắc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án đã được phê duyệt. Trong đó,tập trung vào những lĩnh vực còn nhiều khó khăn như giao thông, thiết chế văn hóa. Chính quyền và mỗi sở, ngành phải có kế hoạch cụ thể trong việc hỗ trợ cho Hòa Bắc thực hiện các dự án, đề án.
Huyện Hòa Vang cần sớm hoàn thiện và thông qua đề án quy hoạch của xã, có chính sách hỗ trợ người dân trong khai thác, sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản... kết hợp với tổ chức du lịch sinh thái.
Đối với các công trình, dự án đầu tư đang thực hiện dang dở, phải nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các khu tái định cư, nhất là ở hai thôn có đồng bào dân tộc, cần ưu tiên tối đa nguồn lực để thực hiện, không để vướng mắc, tồn đọng kéo dài như thời gian qua.
Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể của xã phải tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Chủ động và chịu trách nhiệm phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan bám sát các kết luận, đề án, dự án đã được phê duyệt để triển khai thực hiện. Đồng thời, làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và giữ vững quốc phòng-an ninh trên địa bàn.
Cần ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Triển khai các mô hình kinh tế như xây dựng vườn đồi mẫu, nuôi gà, chè dây, trồng rừng, điêu khắc gỗ, dệt thổ cẩm truyền thống… để tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch. Tổ chức các sự kiện du lịch, lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu như Lễ hội Mừng lúa mới, Lễ ăn thề kết nghĩa, tổ chức giải đua thuyền truyền thống trên sông Cu Đê để thu hút, phục vụ khách du lịch. Từ đó, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu, coi văn hóa truyền thống của người Cơ Tu là báu vật của địa phương, của thành phố.