Mục tiêu điểm đến hàng đầu châu Á
Du lịch là trụ cột chính trong nền kinh tế thành phố Đà Nẵng với nhiều bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022. Số lượt khách lưu trú năm 2022 tăng gấp 3,1 lần so 2021; doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt 8.872 tỷ đồng, tăng hơn 3,5 lần so 2021; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 21.300 tỷ đồng, tăng gần gấp hai lần năm 2021. Nhiều sự kiện, hoạt động du lịch hấp dẫn, quy mô quốc gia và quốc tế đã được tổ chức thành công như hội chợ du lịch trực tuyến Danang Fantasticity; lễ hội Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022; Giải Golf phát triển châu Á; Diễn đàn phát triển đường bay châu Á-Routes Asia 2022 lần đầu tiên tại Việt Nam; hội chợ du lịch quốc tế VITM Đà Nẵng 2022...
Theo Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, một số khu điểm du lịch thu hút lượng khách lớn trong dịp Tết vừa qua gồm Bà Nà Hills, Công viên Châu Á, Danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, công viên suối nước nóng Núi Thần Tài… Các khu điểm đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động nổi bật để du khách thoải mái vui chơi, trải nghiệm. Bà Nà Hills khai trương nhiều sản phẩm du lịch mới với hàng loạt vũ hội tưng bừng, hàng chục show diễn ngoài trời khác. Mở đầu cho du lịch MICE Đà Nẵng năm mới 2023, đám cưới triệu đô của gia đình tỷ phú Ấn Độ đã chọn Đà Nẵng để tổ chức tiệc cưới với hơn 700 khách mời.
Đà Nẵng đặt mục tiêu năm 2023 phục hồi du lịch mạnh mẽ để đến năm 2030, khách lưu trú ước đạt khoảng 13-14 triệu lượt. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.
Du khách nước ngoài trải nghiệm không gian Tết Việt tại bãi biển Mỹ An, Đà Nẵng. |
Đa dạng khách và sản phẩm du lịch
Các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp du lịch, lữ hành cho rằng, bước đi của du lịch Đà Nẵng sẽ thật sự vững chắc khi kết hợp được nhiều nguồn lực và sớm giải quyết các điểm nghẽn.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải và Du lịch VITRACO, khẳng định: Ngành du lịch Đà Nẵng thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng cách đưa ra các giải pháp về sản phẩm du lịch rất chi tiết, bài bản như nhóm sản phẩm đặc trưng, khác biệt có lợi thế gồm: sản phẩm du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp (gắn với bất động sản nghỉ dưỡng); sản phẩm du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí và du lịch MICE... Đây là giải pháp phù hợp các tiềm năng trên từng khía cạnh để tạo ra sản phẩm, dịch vụ theo xu hướng của khách. Để các sản phẩm du lịch được triển khai thuận lợi, thành phố cần có các cơ chế, chính sách đầu tư tốt để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp; các thủ tục xuất nhập cảnh phải đơn giản hơn nữa (như miễn visa) và vận chuyển quốc tế phải thông thương, thuận tiện, nhất là hàng không quốc tế.
Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đều kỳ vọng thành phố sẽ sôi động trở lại và đạt mức khách đỉnh điểm như năm 2019. Cùng với các sản phẩm du lịch hướng mạnh về chất lượng, kết nối liên kết du lịch với nhiều địa phương, đầu năm 2023, thành phố Đà Nẵng công bố và đưa vào hoạt động năm tuyến du lịch đường thủy nội địa, nhằm kết nối các địa điểm du lịch tại Đà Nẵng, xa hơn là hướng tới các điểm đến trong khu vực. Thế mạnh du lịch đường thủy tại Đà Nẵng vẫn còn nhiều dư địa và ngành du lịch đang nỗ lực để sớm có các sản phẩm du lịch đường sông phục vụ du khách.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng khẳng định: Năm 2023, ngành du lịch thành phố sẽ tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách quốc tế, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hướng đến chuẩn chất lượng cao, xúc tiến quảng bá, cập nhật xu hướng thị trường; phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15-20% so năm 2022. Kỳ vọng đây là tiền đề quan trọng để du lịch Đà Nẵng bứt phá, tạo điểm nhấn mới trong năm 2023, xứng đáng là điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, cần cơ cấu lại nguồn khách theo hướng đa dạng để thu hút nhiều dòng khách đến Đà Nẵng. Chính quyền thành phố cần sớm tháo gỡ các điểm nghẽn để nhanh chóng làm phong phú hệ thống sản phẩm điểm đến, đặc biệt là tour ra biển, ra vịnh, quanh bán đảo Sơn Trà, Hải Vân, tour đường sông, tour sinh thái rừng núi phía tây… và huy động mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển, xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng vào các thị trường trọng điểm.