Đa dạng ngành nghề, phát triển hình thức hợp tác, liên kết đào tạo
Hiện ĐH Huế có chín đơn vị thành viên (tám trường ĐH và một viện nghiên cứu); có Phân hiệu ĐH Huế tại tỉnh Quảng Trị; bốn khoa, ba viện đào tạo và nghiên cứu, ba trung tâm đào tạo và phục vụ đào tạo, Nhà xuất bản, Tạp chí Khoa học và các phòng, ban chức năng trực thuộc. Với truyền thống hơn 63 năm xây dựng và phát triển, ĐH Huế kế thừa truyền thống văn hóa cố đô, có đội ngũ cán bộ khoa học, đào tạo lớn khi đối sánh với hai ĐH quốc gia và hai ĐH vùng, với mô hình giáo dục ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, đã hội đủ điều kiện để trở thành một ĐH quốc gia. PGS, TS Nguyễn Quang Linh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Huế nhấn mạnh: “Sau 11 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 25-5-2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia, hơn hai năm thực hiện Kết luận số 38 của Thủ tướng Chính phủ ngày 2-2-2018, ĐH Huế đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên các lĩnh vực công tác: Cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, quy mô và chất lượng đào tạo thích ứng thị trường lao động, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế”.
ĐH Huế hiện có 4.088 viên chức, người lao động (giảm 10% so với đầu nhiệm kỳ), số lượng Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú, Thầy thuốc Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân tăng 35%; quy mô đội ngũ tăng 103%; số giảng viên tăng 135% (giảng viên cao cấp tăng 275%, giảng viên chính tăng 114%). Đến năm 2020, ĐH Huế có 149 ngành đào tạo ĐH, 92 ngành đào tạo thạc sĩ và 56 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú; có 45.000 sinh viên hệ chính quy quy đổi; 4.500 học viên sau ĐH.
PGS, TS Huỳnh Văn Chương, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐH Huế cho rằng: So với các cơ sở giáo dục ĐH trong toàn quốc, lĩnh vực ngành, nghề đào tạo của ĐH Huế đáng tự hào là có nét đặc sắc riêng và rất đa dạng, khá đầy đủ những khối ngành, nhóm ngành mà xã hội có nhu cầu: Y dược, nông lâm ngư, ngoại ngữ, kinh tế, nghệ thuật, sư phạm, luật, du lịch, công nghệ thông tin (CNTT), khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn…
Những năm qua, ĐH Huế chú trọng liên kết, hợp tác quốc tế và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để sinh viên các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật sau khi tốt nghiệp có thể làm việc cả trong nước cũng như quốc tế, hướng đến trở thành công dân toàn cầu. Bên cạnh đó, ĐH Huế cũng tập trung chỉ đạo ổn định quy mô đào tạo, ưu tiên phát triển các ngành nghề mới. Chỉ tính riêng năm 2020, ĐH Huế mở thêm các ngành mới: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, kinh tế quốc tế, quan hệ quốc tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, nông nghiệp công nghệ cao, quản trị và phân tích dữ liệu và hộ sinh với hơn 60% học phần bắt buộc, 40% học phần tự chọn, bảo đảm sự lựa chọn tối ưu cho sinh viên, tăng học phần thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp. Đây là những ngành đón đầu nhu cầu xã hội trong thời kỳ mới.
Đặc biệt, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 10.000 lao động trong lĩnh vực CNTT, lấy CNTT làm đột phá. Đây là cơ hội và cũng là nhiệm vụ, thách thức cho các cơ sở đào tạo thuộc ĐH Huế. Hiện, ĐH Huế đang tập trung nguồn lực dùng chung để phát triển nguồn nhân lực CNTT, bảo đảm đầu ra đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp và sẵn sàng làm việc tại Thừa Thiên Huế và khu vực miền trung - Tây Nguyên.
Cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế
Theo PGS,TS Nguyễn Quang Linh, bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH là nhiệm vụ hàng đầu được thực hiện một cách hệ thống và xuyên suốt trong cả hệ thống. Do vậy, ĐH Huế đã triển khai công tác kiểm định cơ sở giáo dục sớm nhất cả nước từ những năm 2016 và 2017. Hiện, ĐH Huế có bảy trong số tám trường ĐH đã hoàn thành kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH chu kỳ 2017 - 2023, có sáu chương trình đào tạo đã được kiểm định và công nhận đạt chuẩn cấp quốc gia, 20 chương trình đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá và thẩm định nội bộ, ĐH Huế đang chờ lịch kiểm định cấp quốc gia; đã hình thành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và văn hóa chất lượng. Nhờ triển khai sớm công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định cơ sở giáo dục cho nên chất lượng đào tạo và vị thế của ĐH Huế được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức uy tín trong nước và của thế giới xếp hạng khá cao trong năm năm qua. Cụ thể, xếp hạng của QS Asia, ĐH Huế ở tốp 350 - 450 giai đoạn 2016 - 2019. Xếp hạng trên Webometrics, năm 2020, ĐH Huế xếp thứ bảy trong 10 trường có thứ hạng cao nhất Việt Nam. Năm 2019, ĐH Huế được tổ chức THE (Time Higher Education) khuyến nghị sinh viên nước ngoài nên theo học.
Thông qua công tác tuyển sinh, thông tin về các ngành đào tạo của ĐH Huế được lan tỏa rộng đến các đối tượng sinh viên tiềm năng, các kênh xét tuyển được mở rộng, tạo thêm cơ hội cho thí sinh; các hình thức đánh giá được cải tiến giúp lựa chọn được thí sinh có đủ năng lực tham gia quá trình đào tạo, số lượng tuyển sinh hằng năm ở mức ổn định. Chất lượng đào tạo được nâng cao thông qua việc cải tiến chương trình đào tạo, phương thức dạy và học; đào tạo theo tiếp cận đầu ra (Outcomes Based Education) theo định hướng chung của mạng lưới các trường ĐH ASEAN (AUN).
Hiện nay, ĐH Huế đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 100 trường ĐH, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học giáo dục của hơn 30 quốc gia trên thế giới; ký kết hàng trăm văn bản thỏa thuận và ghi nhớ; triển khai thực 23 dự án và hai chương trình lớn (VLIR-IUC và VLIR-NETWORK); đồng thời cũng là thành viên chính thức của nhiều mạng lưới ĐH, tổ chức giáo dục và nghiên cứu quốc tế. Trong xu thế hội nhập, ĐH Huế còn thu hút số lượng lớn lưu học sinh nước ngoài (Thái-lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cam-pu-chia, Lào, các nước châu Phi và Nam Mỹ) đến học ĐH, cao học và nghiên cứu sinh; triển khai chương trình liên kết trao đổi sinh viên Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma theo hợp tác GMS-UC của SEAMEO-RIHED. Hiện có 17 chương trình liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH với các đối tác: Áo, Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Bê-la-rút, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái-lan, Phần Lan và Ai-len… đã và đang được thực hiện tại ĐH Huế và các đơn vị đào tạo thành viên thuộc ĐH Huế.
ĐH Huế cũng tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất Khu đô thị mới của ĐH Huế tại TP Huế và tại các đơn vị thành viên, thuộc và trực thuộc hiện có, bảo đảm phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu; phù hợp quy hoạch, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng, chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như khu vực miền trung theo hướng xây dựng ĐH Huế thành ĐH Quốc gia Huế trên tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Phấn đấu trong tốp các trường ĐH hàng đầu châu Á
PGS,TS Nguyễn Quang Linh cho rằng, bước sang nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, Đảng bộ ĐH Huế đứng trước tình hình giáo dục ĐH đang mở ra nhiều cơ hội mới. Sự hợp tác và kết nối toàn cầu đã hiện hữu, công nghệ số thật sự tạo nên động lực cho giáo dục ĐH cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Truyền thống, uy tín và sự gắn bó của ĐH Huế với văn hóa Huế sẽ đem lại sự tin cậy cho xã hội và người học về một môi trường giáo dục hàn lâm và an toàn.
Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83-NQ/CP ngày 27-5-2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định: “Xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển ĐH Huế trở thành ĐH quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường ĐH hàng đầu châu Á”. Đây thật sự là kim chỉ nam định hướng phát triển, giúp ĐH Huế có thêm những thuận lợi mới trong lộ trình phát triển thành ĐH quốc gia giai đoạn 2020 - 2022.
Tuy nhiên, theo PGS, TS Huỳnh Văn Chương, đứng trước xu thế giáo dục ĐH theo hướng tự chủ vừa là cơ hội nhưng vừa là thách thức cho những cá nhân và đơn vị kém năng động, chậm đổi mới. Ngân sách nhà nước và các nguồn lực khác ngày càng hạn chế, mô hình đơn đặt hàng, cấp kinh phí của Nhà nước về đào tạo khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học công nghệ chưa được triển khai thực hiện, trong khi đội ngũ viên chức và lao động của ĐH Huế chưa thật sự năng động, chưa có các trưởng đầu ngành và chuyên gia có uy tín, có công nghệ và các công trình nghiên cứu có khả năng chuyển giao và dẫn dắt được ngành học, chương trình đào tạo; đề án tái cấu trúc chưa thực hiện triệt để để có lộ trình giảm biên chế và ổn định quy mô số lượng và chất lượng.
Do vậy, ĐH Huế xác định phương hướng xây dựng toàn Đảng bộ đoàn kết, thống nhất hành động, nắm bắt thời cơ, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ theo hướng tạo công nghệ nguồn, công nghệ mới và phát triển nền tảng tri thức số, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Tiếp tục xây dựng đội ngũ viên chức lao động có trình độ chuyên môn, trở thành các chuyên gia và chức danh cao, năng lực tốt để thực hiện tốt hai nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phục vụ xã hội. Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh miền trung - Tây Nguyên, nhất là cho Thừa Thiên Huế và cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung; phát huy giá trị cốt lõi của ĐH Huế là “Khai phóng - Chất lượng - Hội nhập - Hiệu quả”.
Mục tiêu chung ĐH Huế trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: “Xây dựng, phát triển ĐH Huế thành ĐH quốc gia Huế theo định hướng nghiên cứu; phấn đấu đến năm 2025, ĐH Huế xếp ở tốp ba các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam, ở trong tốp 300 các trường ĐH hàng đầu châu Á và 1.000 các trường ĐH hàng đầu thế giới, trở thành một trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao”.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Đảng bộ ĐH Huế đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Tái cấu trúc bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả, tích cực bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; xây dựng chiến lược phát triển đào tạo, bảo đảm chất lượng giáo dục; tăng cường các hoạt động, các quan hệ hợp tác quốc tế; các giải pháp tăng nguồn thu, công tác kế hoạch tài chính năng động và đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng. Bên cạnh những nỗ lực, tăng cường năng lực và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy dân chủ cơ sở, tổ chức đảng là hạt nhân lãnh đạo, rất cần sự hướng dẫn, chỉ đạo và hỗ trợ từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sự tác động tích cực của cơ chế, chính sách đổi mới toàn diện của Đảng, Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và với tinh thần định hướng Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83-NQ/CP của Chính phủ làm tăng năng lực, điều kiện và cơ hội, góp phần thúc đẩy ĐH Huế đổi mới toàn diện, phấn đấu trở thành ĐH quốc gia Huế trong năm 2022.