Nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP mang giá trị kinh tế, thể hiện bản sắc văn hóa vùng miền, thu hút lực lượng lao động tay nghề cao, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo công tác đánh giá, phân hạng phải tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu.
Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về quy định bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, các sản phẩm được phân hạng 4 sao phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó có yêu cầu phải được chứng nhận sở hữu trí tuệ, có độ khó hơn so với trước đây. Điều đó, cũng buộc các chủ thể OCOP tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm của mình, phù hợp với quy định thực tiễn.
Sản phẩm OCOP trưng bày tại Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024. (Ảnh Vũ Hoàng) |
Ngày 4/3/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định Phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 4 sao thành phố Hà Nội năm 2023.
Theo đó, phân hạng và cấp giấy chứng nhận đối với 104 sản phẩm OCOP đạt 4 sao của 32 chủ thể tham gia Chương trình OCOP cấp thành phố Hà Nội năm 2023. Kết quả phân hạng có giá trị trong 36 tháng, kể từ ngày ký ban hành Quyết định; các sản phẩm đạt 4 sao OCOP thành phố Hà Nội năm 2023 được khen thưởng theo quy định hiện hành.
Danh sách xếp hạng OCOP có rất nhiều sản phẩm của các làng nghề, mang tính vùng, miền đặc trưng, giàu truyền thống văn hóa như: Sen trà Hiền Xiêm của hộ kinh doanh Lưu Thị Hiền Số 62 ngõ 12 Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ; Miến dong thương hiệu Minh Dương; Miến dong sạch Trung Kiên của hộ kinh doanh Trung Kiên Thôn Minh Hiệp 1, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức; Cây sanh dáng xiêu Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân Xã Hồng Vân, huyện Thường Tín…
Trước đó, năm 2021, toàn thành phố có 595 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 171 chủ thể và năm 2022, Hà Nội đã đánh giá được 544 sản phẩm, trong đó, có 440 sản phẩm 3 sao, 104 sản phẩm tiềm năng 4 sao (của 50 doanh nghiệp, 36 hợp tác xã, 114 hộ kinh doanh). Các sản phẩm đa dạng về chủng loại, gồm: 280 sản phẩm thực phẩm chế biến, chiếm 51,5%; 142 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vải may mặc, chiếm 26,1%; 16 sản phẩm thực phẩm thô, chiếm 2,9%...
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, trong số các sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP 4 sao, miến dong Minh Dương đã xuất khẩu đến 30 quốc gia. Còn sản phẩm trà sen Tây Hồ của hộ kinh doanh Lưu Thị Hiền là gia đình có 7 đời làm trà sen đã được các cơ quan trung ương lựa chọn để tổ chức các tiệc trà khi tiếp khách quốc tế.
Gốm của các nghệ nhân làng nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm). |
Hằng năm, thành phố Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện để các chủ thể OCOP chia sẻ về cách xây dựng và phát triển sản phẩm; đồng thời, thành phố cũng xúc tiến thương mại cho sản phẩm và hỗ trợ chủ thể OCOP của Hà Nội tham gia các hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ có uy tín do quốc tế tổ chức. Qua đó, chủ thể OCOP có nhiều cơ hội quảng bá, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cũng như tìm kiếm đối tác để ký kết hợp đồng và tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài.
Năm 2023, Hà Nội có 8 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham dự Hội chợ triển lãm thủ công mỹ nghệ quốc tế lần thứ 27 tại Milan (Italia) với tư cách là khách mời đặc biệt. Sau hội chợ, đã có doanh nghiệp nước ngoài tới Hà Nội đặt vấn đề hỗ trợ thiết kế mẫu về lụa và thêu cho sản phẩm làng nghề thành phố. Năm nay, Thành phố Hà Nội phối hợp Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển đã tổ chức Đoàn xúc tiến thương mại tham gia Hội chợ thủ công mỹ nghệ Formex Thụy Điển năm 2024.
Đây là sự kiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị của Hà Nội nắm bắt xu hướng thị trường thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu, có cơ hội quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của Hà Nội -Việt Nam sang thị trường châu Âu và thế giới.
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề, số lượng làng nghề ở miền Bắc chiếm gần 40%, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 1.500 làng; trong đó, có khoảng 300 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Riêng Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống; có 1.090 HTX nông nghiệp đang hoạt động; 1.695 trang trại; 149 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; với hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, hơn 13.000 sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc (QR Code). Trong tổng số hơn 2.700 sản phẩm OCOP của Hà Nội thì có tới 745 sản phẩm đến từ các làng nghề, chiếm tỷ lệ 27,48%.
Sáng tác gốm nghệ thuật. (Ảnh Vũ Hoàng) |
Các làng nghề truyền thống tập trung phát triển mạnh ở các huyện ngoại thành như Quốc Oai, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín, Thạch Thất, Phúc Thọ, Hoài Đức…
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Toàn cho biết, đến nay toàn huyện có 129 sản phẩm được công nhận, trong đó có 64 sản phẩm đạt 4 sao, 65 sản phẩm đạt 3 sao. Huyện đã xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP để trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP làng nghề của huyện gắn với hoạt động trình diễn.
Qua các sự kiện này, huyện mong muốn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề của địa phương, cũng như các sản phẩm của các tỉnh thành trên cả nước để trao đổi kinh nghiệm, giao thương, xây dựng chuỗi liên kết mạnh mẽ, nhằm phát triển thương hiệu các sản phẩm OCOP.
Trong những năm qua, các làng nghề của thành phố Hà Nội đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thúc đẩy chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới. Nhằm bảo tồn và phát triển các làng nghề, thành phố Hà Nội đang triển khai xây dựng "Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050", dự kiến trình phê duyệt vào cuối năm 2024.
Theo đó, đề án phát triển làng nghề sẽ tập trung phát huy vai trò của nghệ nhân; bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống; tổ chức các lễ hội và hoạt động văn hóa dân gian nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa của làng nghề và thúc đẩy du lịch văn hóa cộng đồng phát triển.