Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP Đặng Văn Huấn, cộng đồng học tập trong đội ngũ nhà giáo được hiểu là nơi cùng kiến tạo tri thức, giá trị và kinh nghiệm. Các thành viên cùng nhau học hỏi, tương tác, bồi đắp tri thức, kỹ năng để phát triển nghề nghiệp và cái đích cuối cùng là để có những giờ học hiệu quả vì sự tiến bộ của học sinh. Tại các nhà trường phổ thông, lâu nay, cộng đồng học tập được tạo lập từ nhóm sinh hoạt chuyên môn của các thầy cô giáo, có thể coi là những mạng lưới bồi dưỡng đồng cấp, tại trường và cụm trường.
Trong 3 năm qua, thông qua chương trình ETEP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ; kết hợp trực tiếp với trực tuyến; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.
Điểm mới quan trọng của mô hình bồi dưỡng này là xây dựng các cộng đồng học tập; qua đó phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo cũng như nâng cao năng lực cho các giảng viên sư phạm. Các cộng đồng học tập theo nhóm có chung mối quan tâm hoặc mục tiêu học tập, cùng tham gia để chia sẻ hoặc chuyển giao tri thức liên quan đến mối quan tâm đó.
Sự gắn kết này có ý nghĩa quan trọng với đội ngũ giảng viên sư phạm và giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, nhất là trong bối cảnh dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc tham gia cộng đồng học tập giúp giáo viên có cơ hội được kết nối với những đồng nghiệp có chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, có cơ hội trao đổi và chia sẻ những vấn đề cụ thể về chuyên môn, từ đó đúc rút kinh nghiệm để giảng dạy tốt hơn.
Với sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm, việc tự học, tự bồi dưỡng của đội ngũ giáo viên phổ thông hiệu quả hơn. Việc tăng cường kết nối, trao đổi, chia sẻ trong cộng đồng học tập cũng giúp đội ngũ giáo viên phổ thông tự tin, thực hiện tốt hơn Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với giảng viên sư phạm, đây là dịp để đội ngũ này có cơ hội hiểu rõ hơn những vấn đề thực tiễn đang diễn ra ở các trường phổ thông, từ đó có căn cứ hoàn thiện hơn về nội dung bồi dưỡng...
Tiến sĩ Dương Thị Thúy Nga, Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Việc tham gia Chương trình ETEP mang lại hiệu quả không chỉ cho giáo viên phổ thông mà còn cho chính những giáo viên sư phạm chủ chốt. Cả giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông đều tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, được cùng nhau trao đổi, chia sẻ những phương pháp dạy học để có thể truyền tải hiệu quả nhất.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Xuân Tám, Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh: Cộng đồng học tập được kết nối rộng lớn, không chỉ ở trong nước mà còn kết nối cả những chuyên gia nước ngoài. Đây là hoạt động rất hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành giáo dục. Qua mỗi đợt tập huấn, các giảng viên đều chủ động tạo kênh Zalo để kết nối với giáo viên phổ thông, nhằm chia sẻ được nhiều và rộng nhất trong cộng đồng học tập, lắng nghe phản hồi trong quá trình tập huấn để rút kinh nghiệm và có sự thay đổi thích hợp.
Tại tọa đàm, theo ý kiến của nhiều giảng viên, giáo viên, thời gian tới, nếu tiếp tục có sự chủ động từ các trường đại học sư phạm, sự chủ động của các Sở Giáo dục và Đào tạo, cùng với cơ chế chính sách phù hợp và đặc biệt là ý thức, nhu cầu tự phát triển chuyên môn của mỗi thầy cô giáo, các cộng đồng học tập trong đội ngũ nhà giáo sẽ tiếp tục được duy trì và lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.