Sản xuất cà-phê theo hướng bền vững

Việt Nam là một trong những nước sản xuất cà-phê lớn, trong đó đứng thứ nhất thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà-phê vối. Hiện nay, cây cà-phê đã và đang trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm cho hàng chục nghìn hộ dân.

Nông dân tham gia dự án liên kết sản xuất cà-phê bền vững tại huyện Đắk Đoa (Gia Lai).Ảnh: HÀ DUY
Nông dân tham gia dự án liên kết sản xuất cà-phê bền vững tại huyện Đắk Đoa (Gia Lai).Ảnh: HÀ DUY

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay diện tích trồng cà-phê nước ta đạt khoảng 680 nghìn héc-ta, trong đó diện tích kinh doanh là hơn 632 nghìn héc-ta với sản lượng cà-phê nhân đạt hơn 1,7 triệu tấn/năm. Đến nay, sản phẩm cà-phê nước ta đã xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu 2020 đạt 2,7 tỷ USD. Những năm qua, cây cà-phê đã tạo việc làm và thu nhập cho hơn 600 nghìn hộ dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
 
 Để phát triển bền vững cây cà-phê, vừa phát huy hết tiềm năng, lợi thế vừa nâng cao thu nhập cũng như bảo đảm sản phẩm cho xuất khẩu, nhiều địa phương đã và đang đẩy mạnh xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất cà-phê hàng hóa lớn, chất lượng cao. Ở những vùng trồng cà-phê, người dân đang thực hiện tốt việc xen canh các loại cây trồng như: hồ tiêu, điều, sầu riêng, bơ, hồng, mít, chôm chôm, mắc ca… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê, diện tích trồng xen canh các loại cây trong vườn cà-phê trên địa bàn cả nước đạt hơn 160 nghìn héc-ta, nhiều nhất tại các tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước, Đắk Nông và Gia Lai. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay việc trồng xen trong vườn cà-phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập trên một đơn vị canh tác, giúp sản xuất mang tính bền vững. Qua đánh giá từ các mô hình cho thấy, việc trồng xen cây sầu riêng, bơ trong vườn cà-phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập tăng thêm khoảng 50 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Còn tại tỉnh Lâm Đồng, trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà-phê cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 311 triệu đồng/ha/năm; cây bơ lợi nhuận khoảng 146 triệu đồng/ha/năm; hồng ăn trái lợi nhuận khoảng 87 triệu đồng/ha/năm. Theo đánh giá, việc trồng xen các loại cây trồng khác trong vườn cà-phê tại tỉnh Đắk Nông cũng đang đem lại kết quả tốt, trong đó lợi nhuận thu được từ trồng xen sầu riêng, bơ đạt cao nhất, trung bình khoảng 220 triệu đến 250 triệu đồng/ha/năm do các mô hình này vừa đạt năng suất cao vừa có sự ổn định về giá và chi phí chăm sóc cũng thấp hơn; còn trồng xen cây điều lợi nhuận trung bình khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, cây hồ tiêu lợi nhuận từ 94 đến 125 triệu đồng/ha/năm.
 
 Tuy nhiên, việc sản xuất cà-phê ở nước ta cũng còn nhiều tồn tại khi diện tích cà-phê già cỗi chiếm từ 140 đến 160 nghìn héc-ta, phần lớn diện tích này nằm trong vùng quy hoạch cần được đẩy nhanh tái canh, ghép cải tạo. Hơn nữa, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán khi có tới 84 đến 89% diện tích là của nông hộ, trong đó 63% có quy mô dưới 1 ha/hộ cho nên khó tiếp cận vốn và tiến bộ kỹ thuật. Ngoài ra, cơ cấu giống chưa hợp lý khi cà-phê vối chiếm tỷ lệ 92,9%, còn diện tích cà-phê giống mới chỉ chiếm 20%, cho nên năng suất thấp, chất lượng kém. Cùng với đó, sản xuất cà-phê chủ yếu chạy theo số lượng, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng; việc áp dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, thu hoạch còn hạn chế; thiếu nghiên cứu về bảo quản, chế biến và tổ chức sản xuất, kinh doanh; mối liên kết giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản chưa gắn kết và hình thành chuỗi, dẫn đến hiện tượng vừa thừa vừa thiếu, gây lãng phí…
 
 Nhằm xây dựng ngành cà-phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, tạo ra các sản phẩm đa dạng, có chất lượng phục vụ xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển sản phẩm quốc gia cà-phê Việt Nam chất lượng cao; khuyến khích việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất và chế biến cà-phê; tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cà-phê, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh liên doanh, liên kết sản xuất giữa người trồng cà-phê với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm bảo đảm đầu ra ổn định; tiếp tục thực hiện việc tái canh cà-phê nhằm thay thế những vườn cây già cỗi bằng những giống mới có năng suất, chất lượng hơn; mở rộng diện tích trồng xen các loại cây trồng vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa có tác dụng che bóng, chắn gió cho vườn cà-phê. 
 

 Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới các địa phương nên ổn định diện tích cà-phê khoảng 600 nghìn héc-ta, trong đó 80% diện tích áp dụng quy trình sản xuất bền vững; phấn đấu năng suất đạt 2,7 tấn/ha, sản lượng 1,6 triệu tấn/năm, thu nhập bình quân đạt 120 triệu đồng/ha/năm.