Phát huy vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ

NDO -

Chiều 8-9, trong khuôn khổ Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA 41), diễn ra Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA) theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”. Ảnh: DUY LINH
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”. Ảnh: DUY LINH

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội (QH), Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (QH) Việt Nam tại AIPA, Chủ tịch Nhóm Nữ đại biểu QH Việt Nam dự và phát biểu ý kiến; đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH chủ trì và điều hành hội nghị.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, đồng chí Tòng Thị Phóng khẳng định: Thúc đẩy việc làm bền vững và thu nhập tốt hơn cho phụ nữ và nam giới trong môi trường tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm, là một trong những thước đo sự tiến bộ xã hội của một quốc gia, được ghi nhận trong nhiều văn kiện thế giới và khu vực.

Chương trình phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015-2030 đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2030, đạt được việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tử tế cho tất cả phụ nữ và nam giới, ... và trả lương bình đẳng cho những công việc có cùng giá trị”.  

Dẫn thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về vẫn tồn tại sự bất bình đẳng dai dẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc, Chủ tịch Nhóm Nữ đại biểu QH Việt Nam bày tỏ lo lắng về mục tiêu tất cả phụ nữ và nam giới đều có việc làm tử tế vào năm 2030 theo mục tiêu nêu trên, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ.

“Xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030”, đồng chí Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Phát huy vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ -0
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: DUY LINH 

Phó Chủ tịch Thường trực QH Việt Nam Tòng Thị Phóng cho biết, với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là ở lĩnh vực lao động, việc làm.

Năm 2019, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động và một số luật liên quan để những quy định về lao động - việc làm đối với lao động nữ tập trung vào việc bảo đảm những quyền lợi cơ bản của người lao động và nâng cao năng lực thực thi chính sách về việc làm, thu nhập đối với lao động nữ. Trong những năm tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát để đảm bảo bình đẳng giới thực chất và “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Chủ tịch Nhóm Nữ đại biểu QH Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng, thông qua Hội nghị, các Nghị viện thành viên sẽ góp phần thúc đẩy việc hiện thực hóa các cam kết toàn cầu và khu vực cũng như khuôn khổ pháp luật quốc gia trong lĩnh vực bảo đảm việc làm bền vững và thu nhập cho lao động nữ.

Tại Hội nghị, cùng với những khuyến nghị đã được Việt Nam đưa vào dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa, đại diện Đoàn Việt Nam, đã nhấn mạnh thêm ba đề xuất đối với các nữ Nghị sĩ và các Nghị viện thành viên.

Cũng tại Hội nghị, đại biểu thuộc các Nghị viện thành viên AIPA tập trung chia sẻ về thực trạng việc làm, thu nhập của lao động nữ; chia sẻ khó khăn, thách thức và kinh nghiệm giải quyết vấn đề; đề xuất giải pháp thực hiện cam kết trong khuôn khổ ASEAN, AIPA của các nước thành viên; trao đổi về đề xuất cơ chế hợp tác nghị viện với ASEAN trong giải quyết vấn đề; giải quyết sự bất bình đẳng trong quá trình phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ; tác động của dịch Covid-19 cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống trong bảo đảm việc làm, thu nhập lao động nữ và giải pháp ở các nước.

Với sự tham gia của 42 đại biểu từ các điểm cầu, Hội nghị đã thảo luận trên tinh thần đoàn kết, dân chủ, bình đẳng và thông qua dự thảo Nghị quyết “Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”.