Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng

NDO -

Ngày 28-8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA 41, Ban Thư ký Quốc gia AIPA 41 và các đại biểu, nguyên đại biểu Quốc hội, chuyên gia nghiên cứu tham dự Tọa đàm với chủ đề “Quốc hội Việt Nam với Năm Chủ tịch AIPA 2020” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 Nguyễn Văn Giàu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Khánh
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 Nguyễn Văn Giàu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Khánh

Đây là hoạt động mở đầu cho đợt cao điểm thông tin truyền thông về Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA 41.

Khách mời tham gia Tọa đàm có các đại biểu: Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA 41; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Trưởng Ban Thư ký Quốc gia AIPA 41, Trưởng Tiểu ban Nội dung AIPA 41 Vũ Hải Hà; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Anh Dũng và nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại của Văn phòng Quốc hội Phạm Quốc Bảo.

Việt Nam dự kiến đề xuất hai sáng kiến cốt lõi

Đại diện Ban Tổ chức cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, Đại hội đồng AIPA 41 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong 3 ngày, từ ngày 8 đến10- 9 tới.

Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Quốc hội Việt Nam dự kiến đề xuất hai sáng kiến cốt lõi. Cụ thể, thứ nhất, đề xuất thành lập cơ chế Hội nghị nghị sĩ trẻ nhằm đề cao vai trò của nghị sỹ trẻ nói riêng và thanh niên nói chung.

Thứ hai, chúng ta muốn kết nối, gắn kết hoạt động của AIPA với hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), gắn với việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. 

Quốc hội Việt Nam cũng đã đề xuất, trao đổi với nghị viện các nước thành viên và đến nay đã cơ bản thống nhất mỗi Ủy ban của AIPA sẽ ban hành một Nghị quyết, đề xuất của các nước gửi đến sẽ được tổng hợp, lồng ghép trong dự thảo Nghị quyết chung trình Đại hội đồng. 

Về chủ đề tại các Ủy ban, hiện nay nghị viện các nước đã tương đối thuận. Theo đó, chủ đề của Hội nghị Nữ Nghị sỹ sẽ bàn về: “Vai trò nữ nghị sỹ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”, đặc biệt, thể hiện trong bối cảnh của đại dịch Covid – 19. Đối với Ủy ban Chính trị là “Vì hòa bình và an ninh bền vững trong khu vực ASEAN”.

Chủ đề của Ủy ban Kinh tế về “Vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy, gắn kết, phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch Covid - 19”, gắn với tình hình thực tiễn, gắn với Chương trình và những nội dung đã được bàn thảo, quyết định tại Hội nghị cấp cao ASEAN.

Đối với Ủy ban Xã hội, chủ đề là “Tăng cường vai trò của AIPA trong xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, chủ động thích ứng với đại dịch Covid - 19”. Ủy ban Tổ chức vẫn theo thông lệ, nhưng năm nay sẽ có kết nạp quan sát viên mới. Tại Đại hội đồng AIPA 41 cũng sẽ trao giải thưởng Cống hiến xuất sắc cho AIPA.

Theo Ban Tổ chức, việc tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 và các hoạt động của Năm Chủ tịch AIPA 2020 theo phương thức trực tuyến để thích ứng với tình hình Covid - 19 cũng làm phát sinh một số khó khăn trong công tác chuẩn bị, tổ chức.

Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, sự chủ động và tích cực, Trưởng Ban Thư ký Quốc gia AIPA 41, Trưởng Tiểu ban Nội dung AIPA 41 Vũ Hải Hà khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ tập trung khắc phục, bảo đảm tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA - 41.

Làm tốt công tác thông tin, truyền thông

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 Nguyễn Văn Giàu cũng bày tỏ mong muốn, các cơ quan báo chí truyền thông sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền để người dân trong nước cũng như các nước hiểu biết sâu sắc hơn về AIPA, đặc biệt là về vai trò và đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA 41. 

Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nhà ngoại giao nghị viện kỳ cựu tại cuộc Tọa đàm nêu rõ, sự trùng hợp thú vị khi năm 2020 cũng là năm đánh dấu tròn 25 năm Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO/AIPA. Trong suốt 1/4 thế kỷ, bằng việc thực thi chính sách đối ngoại tích cực, chủ động và có trách nhiệm,

Quốc hội Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của AIPA, được các nghị viện thành viên và nhiều nước ASEAN ghi nhận và đánh giá cao.

Có thể nói, vào những thời điểm khó khăn của khu vực, Quốc hội Việt Nam đều có những động thái kịp thời, cùng với nghị viện các nước thành viên AIPA góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh trong khu vực.

Tại Tọa đàm, các khách mời đã cùng nhìn lại quá trình hình thành, phát triển của AIPO/AIPA, đặc biệt là những sáng kiến, đóng góp và dấu ấn nổi bật của Quốc hội Việt Nam tại AIPO/AIPA và trọng trách của Quốc hội Việt Nam trong Năm Chủ tịch AIPA 41 nói riêng và trong AIPA nói chung. 

Tham gia thảo luận, lý giải rõ hơn về quyết định thay đổi tên gọi từ AIPO thành AIPA, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Anh Dũng cho biết, đây không chỉ là sự thay đổi về tên gọi mà AIPA biểu hiện một cơ chế liên minh nghị viện khu vực, có tính chất ràng buộc thể chế, điều hành bằng cơ chế tập thể, có tính chất pháp lý cao hơn so với tổ chức AIPO.

Nhấn mạnh vai trò của Quốc hội Việt Nam kể từ khi trở thành thành viên của AIPO/AIPA, các đại biểu cho biết, tại các Đại hội đồng, Quốc hội Việt Nam đều có những sáng kiến, đóng góp thực chất.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 Nguyễn Văn Giàu chia sẻ, ông đặc biệt ấn tượng với hai sáng kiến của Quốc hội Việt Nam tại các kỳ Đại hội đồng trước đây.

Đó là: Sáng kiến tổ chức phiên đối thoại cấp cao giữa các nhà Lãnh đạo ASEAN và các nhà Lãnh đạo AIPA và cũng là nước đầu tiên tổ chức phiên đối thoại chính thức này.

Nội dung quan trọng khác là Quốc hội Việt Nam kiên quyết đề xuất Ủy ban Kinh tế của AIPA ban hành Nghị quyết về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ… 

Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO) được thành lập ngày 2- 9- 1977, tại Manila, Philippines do Chủ tịch Quốc hội 5 nước gồm Malaysia, Philippines, Singapore, Indonesia, Thái Lan đồng sáng lập. Năm 2006, tại Đại hội đồng AIPO lần thứ 27 được tổ chức tại Philippines, AIPO quyết định đổi tên thành Liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) và phát triển cho đến nay.