Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có khoảng 11,85 triệu héc-ta đất ngập nước (không kể diện tích sông suối ngập nước theo mùa và điểm nước nóng, nước khoáng và đảo Hoàng Sa, Trường Sa), chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên. Đất ngập nước ở Việt Nam được phân thành hai nhóm với 26 kiểu, gồm đất ngập nước nhân tạo và tự nhiên (nội địa và ven biển). Đáng chú ý, các dòng sông tạo nên các vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn và phì nhiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp như Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Các vùng đất ngập nước ven biển cung cấp nguồn lợi thủy sản cho nhiều cộng đồng dân cư sống chung quanh từ nhiều đời nay. Cùng với giá trị kinh tế không nhỏ, các hệ sinh thái đất ngập nước còn có vai trò điều hòa môi trường, hỗ trợ chống lại các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, là nguồn cội của nhiều giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời trong cộng đồng dân cư.
Nhận thức được tầm quan trọng, giá trị của các khu đất ngập nước, trong những năm qua, công tác quản lý đất ngập nước ở Việt Nam luôn đặt mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững, cũng như duy trì đặc tính sinh thái của hệ sinh thái đất ngập nước, trong đó tập trung các vùng đất ngập nước có hệ sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học cao, có chức năng duy trì nguồn nước và cân bằng sinh thái, có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia.
Đáng chú ý, sau 36 năm tham gia Công ước Ramsar và hơn 20 năm thực hiện Nghị định số 109/2003/NĐ-CP về bảo tồn phát triển bền vững vùng đất ngập nước, đến nay, Việt Nam có chín khu bảo tồn được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) với tổng diện tích hơn 120.000 ha gồm: Bảy vườn quốc gia: Xuân Thủy (tỉnh Nam Định); Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn); Bầu Sấu-Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai); Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp); Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau); Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu); U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) và hai khu bảo tồn thiên nhiên: Láng Sen (tỉnh Long An) và Vân Long (tỉnh Ninh Bình). Ngoài ra, hiện có 23 tỉnh, thành phố trên cả nước có quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và xác định rõ nhiều vùng đất ngập nước quan trọng cần được bảo vệ, quản lý dưới hình thức khu bảo tồn. Tổng cộng có 47 khu đất ngập nước quan trọng được đưa vào quy hoạch thành lập khu bảo tồn đến năm 2030 theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định: Hiện nay, các khu đất ngập nước đang đối mặt nhiều mối đe dọa đến từ thiên nhiên, chủ yếu do biến đổi khí hậu, tiếp đến do nước biển dâng, thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa, mùa mưa, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, lũ lụt, hạn hán... Mối đe dọa từ con người được coi là nguyên nhân trực tiếp của sự suy giảm và suy thoái các vùng đất ngập nước ở nước ta hiện nay. Các vùng đất ngập nước mất sinh cảnh và suy giảm đa dạng sinh học do thay đổi mục đích sử dụng đất để mở rộng nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng… Tình trạng khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, săn bắt trái phép các loài chim và một số loài sinh vật khác... là những mối đe dọa chính đối với nhiều loài sinh vật ở các vùng đất ngập nước.
Ngày Đất ngập nước thế giới (2/2) năm 2025 có chủ đề: "Bảo vệ đất ngập nước vì tương lai của chúng ta" nhằm nhấn mạnh sự chung tay góp sức của cộng đồng để bảo vệ các hệ sinh thái đất ngập nước, hướng đến thế giới mà tất cả mọi người có thể tiếp tục hưởng lợi từ các dịch vụ duy trì sự sống mà đất ngập nước cung cấp. Năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội, chính quyền các cấp tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước đối với sự sống của con người và thiên nhiên, các mối đe dọa tác động ảnh hưởng đến hệ sinh thái đất ngập nước; kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, tăng cường quản lý, phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước bị suy thoái.
Mặt khác, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ chế chia sẻ, trao đổi và quản lý thông tin về đất ngập nước; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ; huy động và đa dạng hóa các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng nhằm quản lý, bảo tồn hiệu quả các vùng đất ngập nước trên địa bàn; thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các biện pháp thích ứng và giảm biến đổi khí hậu đối với các vùng đất ngập nước.
Mới đây, tại lễ phát động Tết trồng cây “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, xuân Ất Tỵ năm 2025 và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2025 được tổ chức tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy mong muốn các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030 và tích hợp nội dung về bảo vệ giá trị đất ngập nước, quản lý, phục hồi và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của bộ, ngành và địa phương; đẩy mạnh các giải pháp dựa vào thiên nhiên, dựa vào cộng đồng. Việc bảo vệ rừng ngập mặn và bảo tồn đa dạng sinh học cũng rất quan trọng, vì chúng không chỉ giúp duy trì hệ sinh thái mà còn bảo vệ đê biển, chắn sóng, hạn chế xâm nhập mặn và giảm tác động của biến đổi khí hậu và tạo sinh kế bền vững cho người dân.