Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh, bền vững

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là dấu mốc kết thúc chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, anh dũng, hy sinh của quân và dân ta; buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva (tháng 7/1954) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại các nước Đông Dương.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường phát biểu tại buổi Tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường phát biểu tại buổi Tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh bước vào thời kỳ mới dù còn nhiều khó khăn, thử thách, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, âm mưu chia rẽ dân tộc của kẻ thù...; song với truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng kiên cường, phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, giành nhiều thắng lợi quan trọng.

Năm 2004, tỉnh Lai Châu chia tách thành hai tỉnh: Điện Biên và Lai Châu; Đảng bộ tỉnh Điện Biên được thành lập mới.

Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ tỉnh Điện Biên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại; khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc và Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tỉnh đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh; quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Điện Biên luôn đoàn kết, chung sức tập trung thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, sáu nhiệm vụ trọng tâm và tám chủ trương, giải pháp chủ yếu của nghị quyết đại hội.

Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, có 10 trong số 18 nhóm chỉ tiêu chủ yếu cơ bản đạt và vượt mục tiêu nghị quyết: Chỉ tiêu tăng trưởng GRDP vượt 2,33% so với mục tiêu; thu ngân sách địa phương vượt 22,4%, tổng sản lượng lương thực vượt 2,68%; số lao động được tạo việc làm vượt 10,25%, tỷ lệ giảm nghèo bình quân vượt 1,24%...

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng; thu ngân sách trên địa bàn và huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao so với nửa đầu nhiệm kỳ trước. Hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới với nhiều điểm nhấn quan trọng: Hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên; dự án đường 60m và hạ tầng kỹ thuật khung; Đền thờ các liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, bức tranh panorama trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ...

Công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được thực hiện chặt chẽ; bảo vệ tốt đường biên, mốc giới; các vấn đề lợi dụng tôn giáo, dân di cư tự do, vi phạm quy chế biên giới được giải quyết kịp thời; hoạt động tuyên truyền, thành lập “Nhà nước riêng” cơ bản được kiềm chế, đẩy lùi, không để xảy ra vụ việc phức tạp; xóa bỏ hoạt động của tà đạo “Giê sùa”, kiềm chế, từng bước đẩy lùi hoạt động của tà đạo “Bà cô Dợ”.

Công tác đối ngoại, quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với các tỉnh bắc Lào được tăng cường; duy trì quan hệ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); đồng thời phát triển quan hệ với các tỉnh đông bắc Thái Lan...

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được tăng cường; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tập trung chỉ đạo quyết liệt; một số vụ án, vụ việc được kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý nghiêm, góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Để xứng đáng với giá trị lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức vượt mọi khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Cụ thể, tập trung đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng tổ chức đảng, nhất là cấp cơ sở.

Khẩn trương triển khai các nội dung theo quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trên các lĩnh vực gắn với bảo tồn, phát triển các giá trị lịch sử, văn hóa.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng cơ chế chính sách tạo đột phá, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa. Tỉnh từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, công trình công cộng; cơ sở hạ tầng đô thị góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh trật tự, gây rối, bạo loạn. Xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.