Chủ động, linh hoạt, tích cực
Với tinh thần chủ động, tích cực, linh hoạt phù hợp tình hình thực tế địa phương, đơn vị cùng với yêu cầu bứt phá, đẩy nhanh tốc độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Lãng đã ban hành nghị quyết riêng về phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách các khối, lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa-xã hội, nội chính, đoàn thể. Với mỗi khối, lĩnh vực, tổ trưởng là các đồng chí Thường trực Huyện ủy; tổ viên là các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ.
Hằng năm, căn cứ nhiệm vụ trọng tâm từng khối, lĩnh vực, các tổ đều tổ chức giao ban định kỳ (3 tháng/lần) tập trung rà soát, đánh giá các công việc đã giải quyết, những việc còn hạn chế, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục.
Quá trình thực hiện cho thấy trách nhiệm của từng đồng chí cán bộ, lãnh đạo huyện trong việc theo dõi, đôn đốc các mảng lĩnh vực được nâng cao, thể hiện rõ bằng việc cụ thể.
Tại xã Gia Miễn, các đồng chí lãnh đạo huyện phụ trách xã, thôn chỉ đạo sâu sát công tác hướng dẫn, hỗ trợ, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.
Gia đình ông Hoàng Văn Tới, thôn Bình Lập, nhiều năm nay vẫn trồng cam theo quy mô nhỏ lẻ. Sau khi được hướng dẫn, ông Tới đã mạnh dạn vay vốn, mở rộng diện tích trồng, tích cực hợp tác, liên kết sản xuất. Giờ đây mô hình trồng cam của gia đình ông đã thành công với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thực hiện Nghị quyết số 77-NQ/TU, đồng chí Vũ Tuấn Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn được phân công phụ trách, theo dõi hỗ trợ xã Đào Viên, huyện Tràng Định. Đây là xã biên giới nhiều khó khăn, nhất là đường giao thông. Khi tiếp xúc địa bàn, nhận thấy tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đồng chí Bình đã chỉ đạo Đảng ủy bộ phận Hải quan Tân Thanh, phối hợp Đảng ủy xã Đào Viên khảo sát, dự toán các phương án hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn.
Để giải quyết khó khăn về kinh phí, đồng chí cùng các tổ chức đảng, đơn vị vận động cán bộ, đảng viên các cơ quan quyên góp cùng hỗ trợ. Không chỉ ủng hộ kinh phí, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng hải quan, biên phòng và xã Đào Viên xuống địa bàn góp sức cùng bà con đổ bê-tông trải đường.
Đến nay, thôn đầu tiên trong xã (Thôn 1) đã hoàn thành tuyến đường bê-tông với chiều dài 600m. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nông Văn Hợp chia sẻ, việc có đường giao thông không chỉ thuận lợi cho bà con đi lại mà còn tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, xây dựng giải pháp trọng tâm
Trong quá trình triển khai Nghị quyết số 77-NQ/TU, Tỉnh ủy Lạng Sơn luôn chú trọng công tác rút kinh nghiệm từ thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng thực hiện. Sau một năm triển khai, Tỉnh ủy nhận thấy ở một số đơn vị, địa bàn còn lúng túng trong phân công đảng viên phụ trách, phối hợp công tác và thông tin, báo cáo.
Khảo sát thực tế cho thấy, những hạn chế trên có nguyên nhân do yêu cầu công tác điều động, luân chuyển cán bộ, chuyển địa bàn công tác đã ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác phụ trách, theo dõi, hỗ trợ địa bàn...
Để đưa việc thực hiện Nghị quyết đi vào nền nếp, tháng 10/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn tiếp tục ban hành Quy định số 1434-QĐ/TU về trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ công tác, chế độ thông tin, báo cáo của cấp ủy viên, lãnh đạo, quản lý các cấp phụ trách, theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình. Quy định thống nhất thời gian, thời điểm các đồng chí được phân công phụ trách phải báo cáo và các nội dung cần báo cáo.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ khi triển khai thực hiện Quy định số 1434-QĐ/TU, các đồng chí cán bộ phụ trách, theo dõi, hỗ trợ địa bàn đã chủ động bố trí, sắp xếp thời gian xuống cơ sở và thông qua nhiều hình thức thích hợp để theo dõi, nắm tình hình; kịp thời phát hiện, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở địa bàn; phản ánh, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Quá trình làm việc, công tác tại địa bàn, các đồng chí luôn bảo đảm thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định trong công tác, với thái độ cởi mở, chân thành, gần gũi với cán bộ, đảng viên ở cơ sở và nhân dân.
Tuy nhiên, cũng còn một số cán bộ, đơn vị thực hiện chế độ thông tin báo cáo chưa đầy đủ, kịp thời; một số báo cáo còn dàn trải, chưa bám sát trách nhiệm, quyền hạn theo quy định, chủ yếu là báo cáo kết quả công tác của đảng bộ địa bàn lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh phụ trách, theo dõi, hỗ trợ địa bàn; nội dung chủ yếu phục vụ việc nắm tình hình của cá nhân người được phân công, ít kiến nghị, đề xuất giải pháp hỗ trợ địa bàn, khó khăn cho công tác tổng hợp theo dõi thực hiện Quy định 1434-QĐ/TU.
Một số báo cáo của đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện/thành phố chưa thể hiện đầy đủ kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh phụ trách, theo dõi, hỗ trợ địa bàn xã, phường, thị trấn trực thuộc địa bàn.
Khảo sát thực tế cho thấy, những hạn chế trên có nguyên nhân do yêu cầu công tác điều động, luân chuyển cán bộ, chuyển địa bàn công tác đã ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác phụ trách, theo dõi, hỗ trợ địa bàn...
Đồng chí Giáp Thị Bắc, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, để khắc phục các vướng mắc, hạn chế trên, các tổ chức đảng cần nghiên cứu có giải pháp kịp thời điều chỉnh phân công phụ trách, theo dõi, hỗ trợ địa bàn khi thay đổi cán bộ lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị mình; chỉ đạo thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo theo quy định. Đồng thời, bản thân các đồng chí cán bộ được phân công phụ trách, theo dõi, hỗ trợ địa bàn phải chủ động phối hợp với cấp ủy địa bàn thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn được phân công; thường xuyên trao đổi, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cấp ủy địa bàn; hướng dẫn, hỗ trợ, giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn đi cơ sở, góp ý, đánh giá tình hình thực tế của địa bàn để vận dụng linh hoạt đạt kết quả cao; quan tâm hỗ trợ về công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
Việc thực hiện tốt Quy định số 1434-QĐ/TU cùng quyết định, hướng dẫn liên quan sẽ góp phần nâng cao chất lượng thực hiện Nghị quyết số 77-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đưa việc cán bộ, đảng viên hướng về cơ sở tại Lạng Sơn trở thành một giải pháp trọng tâm trong công tác nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức cơ sở đảng, tăng cường gắn bó mật thiết cán bộ của Đảng với nhân dân.