Định hướng xây dựng, phát triển đất nước - lý luận và thực tiễn

Phát huy tốt công năng của thiết chế văn hóa

Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa, hệ thống thiết chế văn hóa đóng vai trò như một phần không thể thiếu. Là người nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa và di sản văn hóa, tôi rất tâm đắc với ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp” trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thiết chế văn hóa thuộc kết cấu hạ tầng xã hội được sử dụng cho các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-thể thao, nhằm phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất; bộ máy tổ chức, nhân sự; quy chế hoạt động; nguồn kinh phí. Chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa thể đủ để gọi là thiết chế văn hóa. Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung, các thiết chế văn hóa cũng phải ngày càng phát triển, hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả, phát huy được chức năng, nhiệm vụ, giữ vững định hướng chính trị trong hoạt động, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, có ý nghĩa thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong việc xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có thể thấy những năm gần đây, các thiết chế văn hóa đã được xây dựng khá bao trùm với các ngành và các địa phương. Nhưng thực tế là có những công trình văn hóa được xây dựng với nguồn kinh phí lớn từ ngân sách rồi sau đó chỉ hoạt động cầm chừng, với sự xuống cấp dần của các hạng mục xây dựng. Ở nhiều nơi, cơ sở vật chất của các nhà triển lãm đã lạc hậu, nghèo nàn, xuống cấp. Hiệu quả hoạt động của các thư viện còn hạn chế. Hệ thống bảo tàng cũng còn nhiều bất cập... Nhiều xã vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có tình trạng nhà văn hóa cộng đồng “được Nhà nước xây cho” nhưng không đúng với phong tục, tập quán và đồng bào “không dùng”.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều nhà văn hóa được xây dựng cho “đạt chỉ tiêu”, cho “kịp tiến độ” để được công nhận “đạt chuẩn” nhưng sử dụng ít, hoặc sử dụng sai mục đích. Không ít nhà văn hóa, sân vận động bị bỏ hoang, xuống cấp. Ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông lao động thì lại chưa có đầy đủ hệ thống thiết chế văn hóa để nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của công nhân, để họ yên tâm làm việc lâu dài...

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chống lãng phí khi xây dựng và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa đang là yêu cầu đặt ra khi Đảng ta đã xác định phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Điều này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”.

Thực trạng hiện nay trong việc khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa là sự nhấn mạnh một phía và cũng có cả sự chồng chéo, lẫn lộn giữa hai nhiệm vụ phát triển văn hóa có tính công ích và mở rộng kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Cần phân định giữa phát triển văn hóa có tính công ích-phúc lợi và việc mở rộng các dịch vụ văn hóa có tính kinh doanh thu lợi nhuận để xác định mục đích, yêu cầu mỗi công việc khi khai thác công năng của các thiết chế văn hóa. Khi các công năng của thiết chế văn hóa hoạt động đúng, chúng ta có thể khắc phục tình trạng lãng phí các thiết chế văn hóa như hiện nay.

Cần có tư duy mới cho quản lý, xây dựng các thiết chế văn hóa như chuyển đổi mô hình đầu tư công, quản trị tư, hợp tác công tư, sự tham gia chủ động và tích cực của cộng đồng, áp dụng các kỹ năng kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp... để có thể có những chuyển biến căn bản. Muốn có được điều này, chúng ta cần có một môi trường thể chế, chính sách hỗ trợ để toàn xã hội có thể tham gia đầu tư, xây dựng và quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa một cách hiệu quả.