Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Để không lãng phí thiết chế văn hóa

Nhiều thiết chế văn hóa mới chỉ đáp ứng được phần “vỏ”. Nhiều công trình văn hóa được xây dựng với nguồn kinh phí lớn từ ngân sách rồi sau đó tồn tại lay lắt với các hoạt động nghèo nàn, với sự xuống cấp dần của các hạng mục xây dựng. Hiện trạng đó đã gây băn khoăn, bức xúc trong dư luận về vai trò của các thiết chế văn hóa đã xây đang có.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn văn nghệ ở nhà văn hóa xã tại Yên Bái.
Biểu diễn văn nghệ ở nhà văn hóa xã tại Yên Bái.

Dễ thấy lãng phí và bất cập

Thiết chế văn hóa là những công trình thuộc kết cấu hạ tầng xã hội được sử dụng cho các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, nhằm phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Việc tránh và chống lãng phí khi xây dựng và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa đặt ra như một yêu cầu.

Bảo tàng Hà Nội được đầu tư xây dựng đến 2.300 tỷ đồng, gấp rút hoàn thành cho kịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010). Đến nay dù đã có phương án trưng bày được các chuyên gia bảo tàng hàng đầu tư vấn nhưng chưa được triển khai. Bảo tàng không đạt hiệu quả trưng bày, tuyên truyền, giáo dục, chưa thể là điểm nhấn văn hóa của Thủ đô. Đó chỉ là một thí dụ cho tình trạng lãng phí công năng của các thiết chế văn hóa.

Lại có những người được giao quản lý thiết chế văn hóa nhưng quá chú trọng mục đích làm kinh tế trên “lưng” công trình (cho thuê tổ chức sự kiện, cho thuê mặt bằng để bán sản phẩm, bán dịch vụ…) mà không chăm lo bảo dưỡng, tu tạo để bảo đảm các chức năng “gốc” của công trình. Có thể nhắc đến những bất cập kéo dài trong quản lý, vận hành Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình như một thí dụ tiêu biểu.

Nhìn rộng hơn, quy mô nhỏ hơn nhưng phổ biến hơn, còn có thể nhìn thấy nhiều nhà văn hóa cộng đồng đang hoang vắng, hư hỏng dần ở các buôn làng Tây Nguyên. Đã có sự không hiểu biết về văn hóa của cán bộ nên xây nhà văn hóa theo lối áp đặt, không đúng với phong tục tập quán của cộng đồng. Sự “chạy đua” xây dựng nhà văn hóa và khu thể thao cấp xã cho “đạt chỉ tiêu”, cho “kịp tiến độ” để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới dẫn đến các nhà văn hóa được xây dựng nhiều nhưng tần suất sử dụng ít, hoặc sử dụng sai mục đích. Không ít nhà văn hóa, sân vận động bị bỏ hoang, xuống cấp.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận xét: “Nhà văn hóa cơ sở được đặt tên mới là “nhà văn khóa” (!). Hoạt động chủ yếu ở đây là sinh hoạt của người cao tuổi... Thư viện, bảo tàng ở nhiều địa phương, các công viên bị bỏ hoang, không được chăm sóc, thậm chí khóa lại để hạn chế người vào... Các thiết chế văn hóa là các không gian công cộng, dành cho cộng đồng, là nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, gắn kết cộng đồng, lan tỏa những giá trị văn hóa. Khi những mục đích căn bản đó không đạt được thì đó là một sự lãng phí rất lớn”.

PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: “Với một công trình văn hóa lớn như Bảo tàng Hà Nội thì mức độ hoạt động như hiện nay hoàn toàn chưa xứng tầm. Đó là một sự lãng phí đáng tiếc. Trước tiên, bảo tàng cần được tháo gỡ khó khăn từ cơ chế, chính sách rồi mới có thể mở rộng các hoạt động khác, liên kết với các đơn vị khác, các địa phương khác… Từ đó tăng sức hấp dẫn và khẳng định vị thế của bảo tàng”.

Cần khỏa lấp những chỗ trống hôm nay

Trong quá khứ sinh hoạt cố kết cộng đồng, người Việt có đình, người Khmer có chùa, người Ba Na, Xơ Đăng có nhà rông, người Ê Đê có nhà dài, người Cơ Tu có nhà gươl… Cộng đồng đến đó để thực hành tín ngưỡng, cùng vui chung, cùng diễn xướng, trong những dịp lễ kính thành hoàng, kính thần, kính giàng, gặp nhau bàn việc chung… Những ngôi nhà này thân quen trong tâm thức người dân xưa có thể so sánh với khái niệm những “thiết chế văn hóa” thời nay. Nhưng ngày nay những “ngôi nhà chung” mà nhân dân vẫn cần dùng đó đã mở rộng hơn rất nhiều về mọi mặt - từ số lượng, tính chất, hình thức, quy mô, vật liệu và phong cách kiến trúc; về nội dung hoạt động và tinh thần chứa đựng; về đối tượng hưởng thụ và tham gia, cả về nguồn lực xây dựng và duy trì hoạt động…

Cũng theo PGS Bùi Hoài Sơn: Những thành tựu quá khứ của các thiết chế văn hóa cũng không khỏa lấp được những vấn đề bức xúc của hiện đại. Chúng ta còn thiếu nhiều bảo tàng, nhà hát, thư viện, công viên... đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, được tổ chức và vận hành một cách chuyên nghiệp nhưng lại thừa sự lãng phí khi phải duy trì những thiết chế không đáp ứng được các tiêu chuẩn này. Khi tư nhân đầu tư các khu vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn cao của người dân, còn các cơ quan, tổ chức Nhà nước vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế, thì việc quản lý và tổ chức hoạt động cho các thiết chế văn hóa theo mô hình cũ thật sự đã gây ra sức cản, độ ỳ lớn đối với các thiết chế văn hóa. Các cán bộ văn hóa ở cơ sở chỉ quan tâm đến giờ mở cửa, đóng cửa, không cần quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho các hoạt động của mình, thiếu những kỹ năng kinh doanh cần thiết để các thiết chế có thể trở nên sinh động, hấp dẫn có thể thu hút được nhân dân.

Để không lãng phí thiết chế văn hóa ảnh 1

Một hoạt động cộng đồng ở nhà văn hóa tại Nam Định.

Phân định rõ để phát huy công năng

Nhiệm vụ căn bản của phát triển văn hóa công ích là cung cấp hệ thống văn hóa công cộng, phổ cập và truyền bá tri thức văn hóa. Mục đích của việc kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hóa là đáp ứng các nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của xã hội. Các thiết chế văn hóa đang phải “gánh” cả hai nhiệm vụ đó.

Nhìn từ thực trạng, điều dễ gặp hiện nay trong việc khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa là sự nhấn mạnh một phía và cũng có cả sự chồng chéo, lẫn lộn giữa hai nhiệm vụ phát triển văn hóa công ích và mở rộng kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Ở những nơi đông dân cư, thường nhấn mạnh chức năng khai thác, kinh doanh, làm dịch vụ để “có nguồn thu”. Ở những nơi khó khăn, vùng xa, vùng sâu thì không biết cách phát huy, làm phong phú thêm những dịch vụ và sản phẩm văn hóa địa phương để/và có thể có thêm nguồn thu kinh tế. Cả hai xu hướng đó đều làm sai lạc mục đích khi xây dựng các thiết chế văn hóa. Sự sai lạc đó đã làm công năng của các thiết chế văn hóa chưa được sử dụng hiệu quả.

Cần thiết phải phân biệt/phân định giữa phát triển văn hóa có tính công ích - phúc lợi và việc mở rộng các dịch vụ văn hóa có tính kinh doanh thu lợi nhuận để xác định mục đích, yêu cầu mỗi công việc rõ hơn khi khai thác công năng của các thiết chế văn hóa. Cần phân định rõ phần nào, lĩnh vực nào Nhà nước đảm nhiệm và quản lý, phần nào có sự tham gia của cộng đồng, phần nào, lĩnh vực nào các cá nhân có thể đóng góp nhân lực, tài lực và cùng hưởng lợi ích... Khi tham gia ở khâu nào, các chủ thể đều phải bảo đảm trách nhiệm và hiệu quả. Khi có được điều đó, các thiết chế văn hóa sẽ hoạt động đúng công năng và chúng ta có thể khắc phục tình trạng lãng phí các thiết chế văn hóa như hiện nay.

PGS, TS Nguyễn Trường Giang, Khoa Nhân học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội: “Điều đầu tiên, nhà văn hóa phải phù hợp với văn hóa của đồng bào. Nhà văn hóa được Nhà nước hỗ trợ xây bằng bê-tông, rập khuôn, giống nhau, xa lạ với những căn nhà truyền thống nên không được đồng bào sử dụng. Lẽ ra thiết kế của những căn nhà đó phải dựa theo phong tục của họ và khi xây dựng đồng bào phải được tham gia bàn bạc. Những nhà văn hóa đã xây sai nên sửa lại theo ý kiến của đồng bào để không lãng phí và không gây phản cảm trong dân”.