Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển Vĩnh Long toàn diện, hiện đại và bền vững

Sáng 23/3, tại Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại và du lịch tỉnh Vĩnh Long. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, một số địa phương; các chuyên gia, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, quan điểm là Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, bền vững; phù hợp, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch quốc gia, quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các quy hoạch, kế hoạch liên quan.

Khai thác hiệu quả lợi thế địa kinh tế, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số gắn. Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ và đô thị gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu. Không gian phát triển được tổ chức hợp lý, hài hòa giữa các vùng trong đó tập trung phát triển: 1 trục động lực, 2 hành lang kinh tế, 3 đột phá phát triển, 4 trụ cột tăng trưởng, 5 nhiệm vụ trọng tâm; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, nước.

Phát huy nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu của sự phát triển; xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa là nền tảng, sức mạnh nội sinh để phát triển bền vững. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển Vĩnh Long toàn diện, hiện đại và bền vững ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long.

Trong đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050 Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian qua; nêu bật các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn tới, góp phần phát triển Vĩnh Long giàu mạnh, nhanh và bền vững. Tỉnh Vĩnh Long cam kết nỗ lực đồng hành, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến đầu tư, làm ăn tại tỉnh thành công.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Vĩnh Long và các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng đồng hành, chia sẻ, cùng trao đổi về tầm nhìn, hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng.

Thủ tướng mong tỉnh phải phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phát triển Vĩnh Long toàn diện, văn minh, sinh thái, hiện đại, bền vững, có trình độ phát triển khá so cả nước, nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển Vĩnh Long toàn diện, hiện đại và bền vững ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm một gian hàng trưng bày đặc sản OCOP của tỉnh Vĩnh Long.

Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Công tác quy hoạch đã được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Thời gian qua, công tác quy hoạch đã được triển khai đồng bộ, bài bản, khoa học từ Trung ương đến địa phương với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược trên tinh thần quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, miền và địa phương.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng vì Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long đã được ban hành; lưu ý công tác này không nóng vội, không cầu toàn, cần phải luôn bám sát thực tiễn để điều chỉnh quy hoạch vì quy hoạch không thể bất biến, tình hình có thể thay đổi. Chúng ta cố gắng xác định quy hoạch sát tình hình dựa vào điều kiện con người, thiên nhiên, văn hóa…; phải luôn làm mới, làm tốt hơn những gì đã có; phù hợp những gì xu thế phát triển. Tình hình thay đổi thì phải thay đổi, phải khai thác hiệu quả đất đai; vấn đề là phải thác tối đa hiệu quả nguồn lực sẵn có; luôn đặt con người và sự vật trong sự vận động, phát triển trong công tác quy hoạch để bổ sung, phát triển với tư tưởng nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và người dân. Quy hoạch cũng không được thay đổi liên tục mà phải khảo sát, phân tích, điều chỉnh phù hợp.

Thủ tướng nêu rõ, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long được chuẩn bị một cách công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế. Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch và nhiệm vụ triển khai thời gian tới.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển Vĩnh Long toàn diện, hiện đại và bền vững ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long giới thiệu về Quy hoạch tỉnh.

Về xác định rõ tiềm năng, lợi thế, Thủ tướng nêu rõ, Vĩnh Long là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nên hội tụ các yếu tố của vùng: có truyền thống yêu nước hào hùng; con người hài hòa, thân thiện; văn hóa đặc sắc miền tây; có vùng sông nước, rừng ngập mặn (có điều kiện để phát triển nông nghiệp)... Vĩnh Long có vị trí địa lý kinh tế hết sức thuận lợi, nằm ở trung tâm châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp 7 tỉnh, thành phố trong vùng, bao quanh bởi sông Tiền và sông Hậu, một vùng đất hiền hòa, trù phú.

Vĩnh Long hiện là vùng trọng điểm sản xuất lương thực thực phẩm lớn nhất cả nước; Vĩnh Long có tiềm năng lớn về phát triển du lịch; Vĩnh Long là vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi hội tụ nhiều nhân tài, những người con ưu tú của đất nước.

Thủ tướng nêu rõ, Vĩnh Long phải tập trung phát triển các thế mạnh về thiên nhiên, phải phát triển chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy công nghiệp hóa phát triển kinh tế nông nghiệp để tìm đó tìm ra các giải pháp để có các trung tâm phục vụ đầu vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có các cơ sở sản xuất công cụ, phương tiện nông nghiệp; chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp; phải xây dựng thương hiệu, có quy hoạch vùng nguyên liệu, phải hợp tác với doanh nghiệp, phải có vốn của ngân hàng, phải ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh phải chú trọng phát triển hạ tầng để giảm chi phí logistics.

Về những khó khăn, thách thức, Thủ tướng nêu rõ, Vĩnh Long cũng như các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: đó là tác động của biến đổi khí hậu như sụt lún, sạt lở, khô hạn, ngập mặn tác động sâu sắc đến sự phát triển; hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế; không có các trung tâm công nghiệp lớn để hiện đại hóa nông nghiệp bằng công nghiệp. Do đó phải có các khu công nghiệp, trong đó có các cơ sở chế biến sâu; chưa kết nối được chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất của cả nước, khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng cho rằng, hiện nay, tình hình đang biến đổi nhanh chóng về cả con người, thiên nhiên; lưu ý tỉnh cần coi trọng văn hóa cũng là một nguồn lực trong phát triển, văn hóa là nền tảng tinh thần, ví dụ như cần bảo tồn, phát huy di sản lò gạch, gốm sứ ở Mang Thít…

Thủ tướng nhấn mạnh, có quy hoạch rồi thì phải thực hiện tốt quy hoạch; cho biết, chúng ta đang có nền tảng tốt, đó là đất nước đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đó là kinh tế phát triển mạnh mẽ, chính trị xã hội ổn định, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại được đẩy mạnh, đạt nhiều thành tựu lớn, vị thế và vai trò của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế; môi trường đầu tư kinh doanh của quốc gia đang được đánh giá ngày càng cao; mặc dù đầu tư toàn cầu đang sụt giảm nhưng Việt Nam vẫn được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thu hút FDI. Do đó, Vĩnh Long phải khai thác những lợi thế này.

Thủ tướng nhấn mạnh các bài học kinh nghiệm: nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp cách mạng của dân, do dân và vì dân; tăng cường đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong và ngoài nước; vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định.

Thủ tướng lưu ý tỉnh cần thay đổi mô hình tăng trưởng, cần làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), chú trọng các động lực mới, nhất là chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chống biến đổi khí hậu… là những xu thế mới, tất yếu trên thế giới hiện nay.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển Vĩnh Long toàn diện, hiện đại và bền vững ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long.

Thủ tướng lưu ý, trong quá trình phát triển, Vĩnh Long cần coi trọng yếu tố con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không để môi trường xuống cấp. Do đó, quy hoạch của tỉnh phải toát lên được những vấn đề này; không dàn trải trong đầu tư; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thật tốt để thu hút các nhà đầu tư đó là thể chế, hạ tầng, cải cách hành chính…; phải cạnh tranh lành mạnh.

Vĩnh Long cần có chính sách ưu tiên cho đầu tư chế biến sâu nông sản; phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; coi trọng, phát huy khu vực lò gốm, sứ Mang Thít, đầu tư nguồn lực, tạo thương hiệu du lịch của tỉnh.

Thủ tướng nêu rõ, tỉnh phải lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm nền tảng phát triển; tập trung làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện quy hoạch tốt.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển tỉnh phải đồng bộ, toàn diện về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại hoá nông nghiệp, tăng cường chế biến sâu, giải quyết đầu vào cho nông nghiệp; phát triển kinh tế nông nghiệp dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; phát triển dịch vụ tăng tiêu dùng, nhu cầu của nhân dân; tăng cường thương mại điện tử, dịch vụ logistics, các dịch vụ văn hóa truyền thống, lịch sử. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao đồng bộ; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho tỉnh và cho cả vùng; phát triển công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp.

Về nguồn lực, Thủ tướng nêu rõ, con người phải có tư duy phù hợp tình hình, sự phát triển chung của thế giới, luôn đổi mới theo sự phát triển chung của đất nước, khu vực và thế giới; có nguồn lực của Nhà nước và nhân dân; hợp tác công tư để huy động nguồn lực của nhân dân; khai thác tối đa truyền thống lịch sử, văn hóa; phải luôn đổi mới; phát triển công nghiệp văn hóa, nhanh chóng chuyển di sản thành tài sản.

Đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, Thủ tướng mong muốn cùng chia sẻ, cùng lắng nghe, cùng phát triển tầm nhìn, tư duy, cùng hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển; kinh doanh đúng pháp luật; chọn các ngành nghề đầu tư phù hợp tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để nhân đôi sức mạnh; tiên phong trong đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, phát triển số; chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, quản lý, góp phần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh; góp ý cho cải cách thủ tục hành chính của tỉnh để giảm bớt chi phí tuân thủ, góp phần hoàn thiện thể chế, quy hoạch, cùng với tỉnh thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan trung ương cắt giảm các thủ tục hành chính, giải quyết các đề xuất của tỉnh kịp thời, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu cho sự phát triển; phối hợp chặt chẽ với tỉnh Vĩnh Long để thực hiện quy hoạch hiệu quả với tinh thần các bên đã hứa thì phải làm, đã cam kết phải làm, đã làm phải có kết quả, “"cân, đong, đo, đếm, lượng hóa" được với nguyên tắc chung hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Thủ tướng một lần nữa nhắc lại tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm làm, không ngại khó, tư tưởng phải thông từ trên xuống dưới, quyết tâm phải cao của cả hệ thống chính trị, của toàn dân; nỗ lực phải lớn; hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng tin tưởng Vĩnh Long với truyền thống cách mạng, với đà phát triển những năm qua, với sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, các nhà đầu tư sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới theo như Quy hoạch đã công bố; tin tưởng Vĩnh Long sẽ nhanh chóng trở thành tỉnh phát triển khá trong cả nước, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển Vĩnh Long toàn diện, hiện đại và bền vững ảnh 5

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long cho lãnh đạo tỉnh.

* Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác cho đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tổng vốn cam kết hơn 19.600 tỷ đồng.

Thủ tướng và các đại biểu cũng thăm không gian triển lãm Quy hoạch tỉnh, khu gian hàng trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, giới thiệu những địa điểm tham quan nổi bật của tỉnh, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư kết nối giao thương, gặp gỡ tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển.

Chiều cùng ngày, trong chương trình công tác tại Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tại ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ và Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở khóm 2, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển Vĩnh Long toàn diện, hiện đại và bền vững ảnh 6

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.

Dâng hương tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (1912-1988), Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên trong Đoàn bày tỏ tình cảm, sự trân trọng đối với công lao to lớn của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - người cộng sản trung kiên, bất khuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đồng chí Phạm Hùng là một tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng - cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Hơn 75 năm tuổi đời và 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển Vĩnh Long toàn diện, hiện đại và bền vững ảnh 7

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.

Dâng hương tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008), Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên trong Đoàn bày tỏ tình cảm, sự trân trọng đối với công lao to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Với phong cách làm việc dân chủ, sâu sát, lý luận gắn liền với thực tiễn, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có nhiều đóng góp quan trọng và để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Nhiều di sản của cố Thủ tướng đã, đang và sẽ được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.