Phát huy sức mạnh của nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ thực tiễn của tỉnh Lạng Sơn

NDO - Sáng 21/12, tại Lạng Sơn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy sức mạnh của nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ thực tiễn của tỉnh Lạng Sơn”.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học:" Phát huy sức mạnh của nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ thực tiễn của tỉnh Lạng Sơn".
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học:" Phát huy sức mạnh của nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ thực tiễn của tỉnh Lạng Sơn".

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và Tiến sĩ Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn chủ trì hội thảo.

Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo, đại diện các cơ quan quản lý của Trung ương, địa phương tham dự hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Hơn 90 năm qua, kể từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn xác định, phát huy sức mạnh của nhân dân và đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược xuyên suốt và là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Phát huy sức mạnh của nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ thực tiễn của tỉnh Lạng Sơn ảnh 1

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, phát biểu khai mạc tại cuộc Hội thảo.

Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, phát huy sức mạnh của nhân dân và đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành tài sản vô giá, là bài học kinh nghiệm mang tầm lý luận, là phương thức và điều kiện bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Lạng Sơn là vùng đất “phên dậu” biên giới, cửa ngõ phía Đông Bắc của đất nước với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó các dân tộc ít người chiếm hơn 82%.

Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã lập được nhiều chiến công oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ bờ cõi lãnh thổ, biên cương của Tổ quốc.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã kế thừa truyền thống lịch sử, phát huy sức mạnh của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực đạt được những thành tựu phát triển quan trọng, toàn diện. Kinh tế của tỉnh có bước phát triển khá. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc được cải thiện nhiều mặt...

Phát huy sức mạnh của nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ thực tiễn của tỉnh Lạng Sơn ảnh 2

Các đại biểu tham luận, trao đổi tại cuộc Hội thảo.

Thực tiễn phát huy sức mạnh của nhân dân các dân tộc ở tỉnh Lạng Sơn một lần nữa cho thấy bài học kinh nghiệm hết sức quý báu đó là: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng ngay từ cơ sở, vững mạnh từ cơ sở.

Từ rất sớm, Đảng bộ Lạng Sơn đã quán triệt và triển khai thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng về phát huy vai trò của cấp ủy, nhất là người đứng đầu, trong việc phân công cấp ủy viên, lãnh đạo quản lý các cấp phụ trách, theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện nghiêm việc phân công cấp uỷ viên các cấp định kỳ dự sinh hoạt chi bộ tại khu dân cư; giám sát trách nhiệm của đảng viên đang công tác trong việc thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú.

Tỉnh cần phát huy vai trò tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội theo phương châm: bắt đầu từ cơ sở, gần cơ sở, sát cơ sở. Cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải thực hành thật tốt phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; kiên quyết khắc phục lối làm việc xa dân, mệnh lệnh, quan cách, hành chính.

Là tỉnh có những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, có điều kiện đặc biệt khó khăn, Lạng Sơn cần tiếp tục nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, sát hợp với thực tiễn cơ sở; phát huy vai trò tích cực của những người có uy tín như già làng, trưởng bản, cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, người có công…tham gia đóng góp cho phong trào thi đua yêu nước, góp sức cho cộng đồng. Tỉnh bảo đảm an ninh biên giới, giữ gìn an ninh trật tự tại các thôn, làng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp...

Tại Hội thảo, hơn 50 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện cơ quan quản lý của Trung ương và địa phương đã khẳng định: Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân. Nhờ đó, Đảng và nhân dân ta đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy sức mạnh của nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ thực tiễn của tỉnh Lạng Sơn ảnh 3

Các đại biểu lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn tham dự Hội thảo.

Các đại biểu nhìn nhận, những bài học thực tiễn của tỉnh Lạng Sơn như: Phát huy sức sáng tạo của dân trong phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng bản sắc văn hóa, con người xứ Lạng; xây dựng thế trận lòng dân; nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt là bài học về bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ... đã thực sự mang lại lòng tin, từ đó nhân dân chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội...

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn cho biết, Từ thực tiễn Lạng Sơn, đề xuất Trung ương ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể và các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố” làm cơ sở, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, và các tổ chức chính trị các cấp, đối với địa bàn cơ sở.