Nhờ chú trọng tiêu chí phát triển văn hóa với nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng, hấp dẫn, nhiều địa phương trong cả nước đã nâng cao các hoạt động văn hóa, thu hút khách du lịch và tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.
Nhiều kết quả nổi bật
Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát huy giá trị văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng NTM thành công. Theo Bí thư Huyện ủy Tháp Mười Trần Thị Quý, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, huyện đã đầu tư nâng cấp dịch vụ du lịch tại Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười và khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống.
Tại chợ quê Gò Tháp, mô hình ẩm thực kết hợp với giao lưu âm nhạc đờn ca tài tử đã tạo thành sản phẩm văn hóa riêng biệt của địa phương. Lượng khách đến chợ tăng theo từng phiên, từ 3.000 lượt khách phiên chợ thứ nhất đã tăng lên 9.000 người ở phiên chợ thứ 5.
Doanh thu bán hàng tăng dần, ước đạt từ 150 triệu đồng đến 450 triệu đồng/phiên chợ. Phần lớn du khách tham quan chợ quê đến từ các tỉnh: Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long An, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và các huyện, thành phố của tỉnh Đồng Tháp. Theo Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp, hoạt động phiên chợ quê Gò Tháp ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm; số người dân tham gia buôn bán cũng tăng qua mỗi phiên chợ, nhờ đó góp phần tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập nâng cao đời sống cho người dân và phát triển kinh tế địa phương. Phiên chợ cũng góp phần nâng cao giá trị văn hóa trong xây dựng NTM.
Việc giữ gìn bảo vệ di tích lịch sử, di sản văn hóa được nhân dân đồng tình ủng hộ và tự nguyện đưa vào nội dung hương ước, quy ước của thôn, bản để cộng đồng cùng thực hiện, trên tinh thần có bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa thì mới xây dựng nông thôn mới đặc sắc và bền vững; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Cạn) Nguyễn Anh Tuấn
Thành công trong phát triển các giá trị văn hóa, biến văn hóa trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cũng là lựa chọn của nhiều địa phương ở tỉnh Bắc Kạn. Mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tốc độ xây dựng NTM chậm hơn so với các địa phương khác. Tuy nhiên, với bản sắc văn hóa đậm đà của các dân tộc, cùng với nỗ lực của địa phương, các thiết chế văn hóa và công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của địa phương.
Đến thăm huyện Pác Nặm, một trong những huyện nghèo nhất không chỉ của tỉnh Bắc Kạn mà còn của cả nước, mới thấy hết những nỗ lực trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM của người dân. Sở hữu những “báu vật” gồm:
Các làn điệu hát ru; Chữ Nôm của người Tày; Hát lượn cọi; Múa khèn H’Mông và đặc biệt là thực hành Then (di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO)… người dân địa phương đã biến những giá trị tinh thần này trở thành “con gà đẻ trứng vàng”, đem lại giá trị kinh tế cao thông qua các hình thức du lịch cộng đồng và trải nghiệm. Cùng với những không gian văn hóa, làng văn hóa, địa phương có khoảng 400 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng với nhiều tiết mục khai thác vốn văn nghệ truyền thống của các dân tộc.
Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Pác Nặm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc giữ gìn bảo vệ di tích lịch sử, di sản văn hóa được nhân dân đồng tình ủng hộ và tự nguyện đưa vào nội dung hương ước, quy ước của thôn, bản để cộng đồng cùng thực hiện, trên tinh thần có bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa thì mới xây dựng NTM đặc sắc và bền vững; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Văn hóa trở thành nội lực phát triển kinh tế
Theo Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM được triển khai mạnh mẽ, đã góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đa sắc màu về đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn; nhiều lễ hội truyền thống được phục hồi và phát triển, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch.
Các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến việc chuyển giao những thành quả của quá trình xây dựng NTM cho cộng đồng và người dân quản lý, khai thác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở cho nên đã hình thành một số mô hình du lịch nông thôn gắn kết giữa phát triển sản phẩm truyền thống (văn hóa, OCOP, làng nghề…) với văn hóa, du lịch và kinh tế.
Nhờ bảo tồn và kết hợp giữa phát huy giá trị các sản phẩm văn hóa trong cộng đồng dân cư, chỉ số phát triển kinh tế của toàn huyện Tháp Mười đạt những con số ấn tượng. Chỉ tính riêng 3 quý đầu năm 2023, số khách đến huyện tham quan, du lịch và trải nghiệm các hoạt động cộng đồng lên tới 446.981 người, tăng hơn 397.800 người so với năm 2022, doanh thu đạt hơn 30,27 tỷ đồng, tăng hơn 25,83 tỷ đồng so với năm 2022.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Lê Quang Biểu cho biết: Các trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng xây dựng mới đều có quy chế, kế hoạch hoạt động phù hợp theo tháng, quý. Nhiều hoạt động đa dạng, phục vụ nhiều đối tượng khác nhau đã được đẩy mạnh nhằm góp phần gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa chuyên biệt của địa phương.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, tỉnh Bắc Kạn, Đồng Tháp đã và đang thực hiện nhiều kế hoạch, trong đó thúc đẩy hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để đầu tư và xã hội hóa các thiết chế văn hóa hiện có.
Tại Bắc Kạn một số lễ hội tiêu biểu trên địa bàn gắn với hoạt động du lịch như: Hội Lồng tồng Ba Bể, Phủ Thông-Bạch Thông, Bằng Vân-Ngân Sơn, Mù Là-Pác Nặm, Chợ truyền thống xã Xuân Dương-Na Rì; triển khai xây dựng mô hình lễ hội mới gắn liền với phát triển du lịch hồ Ba Bể với “Tuần Du lịch-Di sản văn hóa Ba Bể” cũng đã được xây dựng kế hoạch tổ chức định kỳ mỗi năm một lần.
Ngoài ra, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc và các trò chơi dân gian cũng được ngành văn hóa, thể thao và du lịch lựa chọn để giới thiệu, quảng bá tại các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua các hoạt động sự kiện, hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, tỉnh Bắc Kạn, Đồng Tháp đã và đang thực hiện nhiều kế hoạch, trong đó thúc đẩy hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để đầu tư và xã hội hóa các thiết chế văn hóa hiện có.
Từ đó, xây dựng các giải pháp thực hiện linh hoạt, vừa kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tiếp thu có lựa chọn các giá trị văn hóa mới để thực hiện các mục tiêu cốt lõi của xây dựng NTM. Trong đó, chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn; đồng thời tập trung quy hoạch bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với xây dựng hệ thống du lịch ở các địa phương một cách đồng bộ và khoa học, để các hoạt động này nhanh chóng trở thành những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, làm cho đời sống văn hóa ở địa phương ngày càng phong phú, góp phần tiếp tục nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực phát triển văn hóa nông thôn, nhất là từ nguồn xã hội hóa để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong quản lý, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; tạo chuyển biến về xây dựng nếp sống văn hóa, bảo vệ di sản văn hóa và môi trường sinh thái nông thôn, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.