Lai Châu

Gắn phát triển văn hóa với xây dựng nông thôn mới

Chúng tôi đi thăm Nhà văn hóa bản San Thàng 1, xã San Thàng (TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu) được xây dựng khang trang. Hàng rào hai bên đường được xếp bằng đá rất kỳ công, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoàng Chí Tình cho rằng: “Xây dựng nông thôn mới (NTM) phải đặc biệt chú trọng bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc là một điều kiện quan trọng cho sự bền vững của việc xây dựng nông thôn mới.
Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc là một điều kiện quan trọng cho sự bền vững của việc xây dựng nông thôn mới.

Chính vì vậy, ngoài việc bảo tồn sống lễ hội “Tú tỉ” của dân tộc Giáy được tổ chức vào dịp 2-2 âm lịch hằng năm, thì những bài hát, điệu múa hay nghề làm bánh bỏng, bánh khảo… vẫn được đồng bào dân tộc Giáy nơi đây bảo tồn, phát huy và trở thành hàng hóa không thể thiếu được tại mỗi buổi chợ phiên San Thàng”.

Theo bà Tẩn Thị Quế, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hằng năm Sở chủ trì tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về xây dựng tổ chức hoạt động nhà văn hóa, đội văn nghệ, câu lạc bộ; nâng cao kỹ năng tuyên truyền vận động xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa... cho cán bộ văn hóa huyện, xã, bản toàn tỉnh. Cùng với đó, tổ chức các hội thi, hội diễn văn hóa, thể thao. Đồng thời, tăng cường lồng ghép các nội dung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về xây dựng NTM vào các hoạt động thông tin tuyên truyền.

Từ năm 2011 trở về trước, kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa là 100 triệu đồng/một nhà văn hóa xã, 50 triệu đồng/một nhà văn hóa thôn, bản. Từ năm 2013 đến nay, nguồn kinh phí được nâng lên 150 triệu đồng/một nhà văn hóa bản, khu phố, 300 triệu đồng /một nhà văn hóa xã, phường. Các huyện, thành phố còn huy động sự đóng góp của nhân dân, các doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức kinh tế - xã hội... để phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trên toàn tỉnh.

Đặc biệt, Lai Châu đã thực hiện tốt cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Các thiết chế văn hóa cấp xã, bản đều có sự đóng góp về vật chất, tinh thần và công sức của nhân dân như: góp tiền, góp vật liệu xây dựng, ngày công... Ở các vùng kinh tế tương đối phát triển như thành phố, thị trấn, việc xây dựng thiết chế văn hóa do nhân dân tự nguyện đóng góp một phần kinh phí từ 500 nghìn đồng trở lên/một hộ gia đình, phần còn lại do Nhà nước hỗ trợ. Đối với các vùng đặc biệt khó khăn như vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng và trang cấp thiết bị cho hệ thống thiết chế văn hóa, người dân đóng góp về nguyên vật liệu và công sức tham gia xây dựng. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2009 - 2019 khoảng 139.298 tỷ đồng. Quỹ đất cấp và quy hoạch để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí xã, bản khoảng 102,34 ha.

Nhiều xã, bản đã đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch cộng đồng, nhằm thu hút du khách đến trải nghiệm các đặc trưng riêng biệt thông qua các món ẩm thực, lễ hội truyền thống, các bài hát, điệu múa của từng dòng họ, tộc người, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân. Phải kể đến bản Nà Khương, xã Bản Bo, bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu (Tam Đường); bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ)…