Phát hiện di cốt người nguyên thủy 12 nghìn năm

Giải mã truyền thuyết "ma núi"

TS Trình Năng Chung và các cộng sự là những người đầu tiên "dám" đặt chân đến Phia Vài. Bởi lẽ bấy nay dân bản Cốc Ngận vẫn rỉ tai nhau một truyền thuyết hãi hùng về "ma núi". Đó là trong hang Phia Vài có một người đã chết từ rất lâu. Ai đó run rủi đặt chân vào lãnh địa của "ma" nếu không bị ăn... thịt thì cũng chẳng có đường quay về.

Thế là ai cũng sợ! Mặc dù trước khi bổ nhát cuốc đầu tiên, ông Chung đã "cống tiến" xôi, gà cho... ma núi và hứa... sẽ nhận hết điềm gở về mình, song cũng phải rất khó khăn đoàn mới thuê được nhân công địa phương. Đào được 50cm, ông Chung thấy ló ra vài ba đốt đen đen, gần giống xương gà, lợn. Biết là sắp xuất lộ bộ hài cốt như lời đồn đại, ông bèn cho nhân công phủ bạt lên phần đoán chắc sẽ là hộp sọ để dân công đỡ... sợ và nói đùa rằng đó chỉ là xương động vật!

Kỳ thực, đây là bộ hài cốt người nguyên thủy được đặt ở tư thế nằm nghiêng, đầu gối lên đá, chân duỗi ra. Căn cứ vào lớp lớp trầm tích đá vôi cứng những công cụ ghè đẽo thô sơ được tìm thấy - mà chủ yếu là bằng đá cuội, được chôn theo người chết. TS Chung nhận định di tích Phia Vài mang đặc trưng của văn hóa Hòa Bình giai đoạn sớm (thuộc thời kỳ Cánh Tân muộn, Holuxen sớm) niên đại 12 nghìn năm. Đặc biệt, xung quanh di cốt còn phát hiện dấu tích bếp lửa hình tròn và những tảng đá rất to - có lẽ đã được người nguyên thủy dùng làm... ghế ngồi tại các sinh hoạt cộng đồng.

Để tránh gây sợ hãi cho dân bản, bộ hài cốt nhanh chóng được đổ thạch cao và đem về bảo tàng tỉnh Tuyên Quang.

Bản sắc văn hóa và nguồn gốc người Việt

Cho đến tận bây giờ, giới chuyên môn trong và ngoài nước vẫn tranh luận về nguồn gốc người Việt. Trong đó được bàn cãi nhiều nhất là thành phần chủng tộc. Đây là vấn đề khoa học rộng lớn và hết sức phức tạp. Tuy nhiên, tìm được một bộ sọ cổ sẽ là một bằng chứng quan trọng về vấn đề này. Theo TS Trình Năng Chung, phát hiện khảo cổ này đã cung cấp thêm một nguồn tư liệu quý để so sánh đặc điểm nhân chủng giữa cốt sọ người Việt cổ và người hiện đại.

Cuối thế kỷ 19, bộ hài cốt người nguyên thủy sớm nhất được tìm thấy tại Đông - Nam Á là người vượn Giava (Indonesia), cách đây 180 vạn năm. Tiếp đó là người vượn Bắc Kinh (ở Chu Khẩu Điếm) niên đại 40-50 vạn năm. Có điều, việc phát hiện hài cốt người nguyên thủy ở Đông Á mới chỉ chứng tỏ rằng Đông Á là một trong những cái nôi của loài người chứ chưa khẳng định Việt Nam cũng là nơi phát tích - cho dù Việt Nam nằm giữa Giava và Bắc Kinh! Phải đến khi di tích núi Đọ (Thanh Hóa, thuộc sơ kỳ Đá cũ, cách ngày nay 50-60 nghìn năm) được phát hiện trong những năm 60 của thế kỷ trước, giới khoa học mới manh nha lần ra đầu mối về gốc tích người Việt!

Tuy nhiên, tại di chỉ có niên đại được coi là sớm nhất của khảo cổ học Việt Nam cũng chỉ mới tìm thấy công cụ mảnh tước và kỹ thuật ghè đẽo thô sơ, chứ chưa thấy di cốt người nguyên thủy. Và do đó cũng chỉ dè dặt nói rằng núi Đọ từng là địa điểm cư trú cổ xưa còn chủ nhân của cái hang động ấy ra sao thì chẳng ai biết! Trong khi đó, vết tích người nguyên thủy trên đất Việt Nam có tuổi sớm hơn Phia Vài cũng chỉ là vài chiếc răng hóa thạch của người vượn ở Bình Gia, Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, hang Hùm (Lạng Sơn)... Hang Phia Vài, vì vậy, có thể coi là một trong những địa điểm đầu tiên phát hiện bộ di cốt còn nguyên vẹn. Đây là bằng chứng xác quyết rằng loài người nguyên thủy chắc chắn đã định cư trên đất Việt Nam cách ngày nay hàng mấy chục vạn năm, chứ không phải đến thời kỳ Đồ đồng (di chỉ Mán Bạc) mới có!

Cố nhiên, còn nhiều vấn đề đặt ra như: người nguyên thủy đã đến núi Đọ, Sơn Vi (Phú Thọ) từ 30 - 50 nghìn năm trước rồi tiếp đến là Phia Vài (Tuyên Quang), Hang Muối, Động Can (Hòa Bình) thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá cũ bằng con đường nào? Và con người hiện đại đang sống trên đất nước Việt Nam có quan hệ gì với chủ nhân văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình, Phia Vài... Ngoài ra, vấn đề loài người ở hậu kỳ Cánh Tân và văn hóa trung kỳ Đồ đá cũ ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được lý giải rõ ràng.