Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho biết, cuộc thi là đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng cho viên chức, cán bộ các Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng và là dịp để thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân đối với Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng, liệt sĩ Đặng Văn Ngữ - nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực ký sinh trùng ở Việt Nam, là viện trưởng đầu tiên của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương.
Đây là hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, thiết thực để giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống về lĩnh vực phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng y học nói riêng và cho toàn ngành y tế dự phòng nói chung.
Cuộc thi cũng góp phần khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, học sinh, sinh viên; nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, để từ đó tiếp tục đẩy mạnh các phong trào học tập, nghiên cứu trong sinh viên và cán bộ ngành y.
Theo Ban tổ chức, cuộc thi được mở rộng cho mọi đối tượng dự thi. Bài thi viết của các cá nhân trả lời câu hỏi của Ban tổ chức; thể hiện sự hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp khoa học, những cống hiến to lớn của Giáo sư Đặng Văn Ngữ đối với sự nghiệp sốt rét, ký sinh trùng nói riêng, đối với y tế dự phòng nói chung và đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Hình ảnh, tư liệu minh chứng gồm: kỷ vật, video, clip, ảnh, sách, tài liệu nghiên cứu khoa học, tác phẩm, thư, bản nhạc, bài hát, thơ …
Ban tổ chức khuyến khích cá nhân, tập thể trao tặng hiện vật, kỷ vật gửi dự thi để phục vụ trưng bày, lưu giữ, tuyên truyền giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng, liệt sĩ Đặng Văn Ngữ.
Thời gian nhận bài dự thi bắt đầu tính từ ngày 12/4 và hạn cuối cùng nộp sản phẩm dự thi về Ban tổ chức là ngày 31/7/2023 (tính theo dấu bưu điện).
Nơi nhận: Phòng Tổ chức-Cán bộ, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, số 34 Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Ban Giám khảo cuộc thi tổ chức chấm theo tiêu chí, thang điểm quy định.
Phát biểu tại buổi lễ, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh - con trai cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ - chia sẻ, 56 năm qua, ông vẫn nhớ tới cha mình và cảm nhận cha đang đi công tác ở đâu đó. Giáo sư Đặng Văn Ngữ mất đi nhưng tinh thần và giá trị khoa học trong chăm sóc sức khỏe nhân dân còn mãi mãi.
Hôm nay, ông bày tỏ sự xúc động khi Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương phát động cuộc thi này.
"Việc phát động cuộc thi tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của cha tôi như là mạch nguồn để ông tiếp tục sống trong lòng các đồng nghiệp, cộng sự các thế hệ kế tục sự nghiệp của cha tôi. Xin chúc cho cuộc thi thành công tốt đẹp, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân mà cha tôi suốt đời theo đuổi cho tới khi nhắm mắt, xuôi tay", Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh bày tỏ.
Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động cùng Giải thưởng Hồ Chí Minh về 2 công trình bào chế dung dịch penicilin sử dụng chữa vết thương trong kháng chiến chống Pháp và điều tra về loài muỗi sốt rét ở Việt Nam.
Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ là bác sĩ đầu ngành nghiên cứu về ký sinh trùng ở Việt Nam. Ông sinh ngày 4/4/1910 tại làng An Cựu, Huế. Năm 1942, ông là Trưởng phòng thí nghiệm Ký sinh trùng và ông đã hoàn thành 19 công trình nghiên cứu khoa học nổi tiếng.
Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc, Giáo sư Đặng Văn Ngữ là người đã nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc Penicillin - loại kháng sinh đóng vai trò to lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn.
Năm 1955, Giáo sư Đặng Văn Ngữ sáng lập ra Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông tập trung nghiên cứu phòng, chống và điều trị căn bệnh sốt rét trên những cánh rừng Trường Sơn.
Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ hy sinh ngày 1/4/1967 trong một trận B52 rải thảm ở Trường Sơn trong khi đang nghiên cứu về vaccine chống sốt rét.