Chương trình được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại nhiều đầu cầu đặt tại các địa phương với sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố và đông đảo doanh nghiệp du lịch cả nước.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, gần hai năm qua, đối mặt với đại dịch Covid-19, du lịch đã vô cùng gian khổ để tồn tại nhưng cả ngành vẫn tin tưởng sẽ vượt qua những khó khăn chưa từng gặp để vươn lên, khôi phục lại ngành kinh tế đang được cả xã hội kỳ vọng.
Với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”, chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu khôi phục du lịch Việt Nam, trước tiên là khôi phục du lịch nội địa, trên cơ sở phù hợp một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến thực tế của dịch bệnh, từng bước chuyển du lịch theo khái niệm mới: du lịch an toàn.
Chương trình áp dụng 6 nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát Covid-19 của Chính phủ; kết nối khách du lịch đi từ vùng xanh (an toàn) tới các điểm du lịch xanh (an toàn) trên cơ sở xác định vùng xanh của cơ quan quản lý y tế, cơ quan quản lý có thẩm quyền ở địa phương và ranh giới vùng xanh ở phạm vi chia càng nhỏ, càng có tính thích ứng cao trong bối cảnh bình thường mới.
Nội dung chương trình hướng đến xây dựng tiêu chí an toàn ở các vị trí làm việc trong chuỗi dịch vụ du lịch cung cấp cho khách nhằm bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch phù hợp; Xây dựng khung quy trình tổ chức hoạt động du lịch phù hợp bối cảnh chung và đáp ứng cao nhất yếu tố an toàn trong dịch bệnh.
Theo đó, chương trình đặt ra các tiêu chí an toàn cụ thể dành cho cả khách du lịch, người lao động du lịch, doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở lưu trú, cung cấp dịch vụ du lịch.
Đối với khách du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch đều phải bảo đảm tiêm đầy đủ các liều vaccine hoặc có chứng nhận hồi phục sau nhiễm SARS-CoV-2, có kết quả xét nghiệm âm tính theo quy định của cơ quan y tế. Tùy theo tình hình cụ thể, đơn vị lữ hành, điểm đến có thể yêu cầu thêm các tiêu chí bổ sung.
Đối với doanh nghiệp lữ hành, chương trình du lịch phải được tổ chức theo hình thức khép kín; có báo cáo đánh giá ngay sau khi kết thúc thực hiện chương trình du lịch và theo dõi y tế trong một thời gian nhất định. Hợp đồng lữ hành phải có các điều khoản liên quan đến phòng, chống dịch, tính toán đến cả tình huống bất ngờ xảy ra và chi phí phát sinh có liên quan như hoãn, hủy, cách ly một vài khách hay cả đoàn khách…
Điểm đến du lịch phải thuộc vùng xanh, đủ điều kiện hoạt động theo tiêu chí an toàn, phục vụ số lượng khách tại cùng một thời điểm không được quá 30%-50% công suất. Với cơ sở lưu trú phải bố trí phòng theo gia đình hay nhóm khách có cùng yếu tố dịch tễ, khách lẻ phải bố trí phòng riêng, có phòng cách ly, khách lưu trú tại khách sạn, ưu tiên phục vụ ăn uống trên phòng…
Với cơ sở phục vụ ăn uống cần bố trí bàn ăn riêng cho từng gia đình hoặc nhóm, nhóm nọ cách nhóm kia tối thiểu 2m; chỗ ăn uống cho đoàn khách bảo đảm giãn cách tối thiểu 3m, hạn chế khách đi lại trong nhà hàng, chỉ tổ chức ăn buffet trong trường hợp tình hình dịch tại địa phương được kiểm soát.
Với đơn vị vận chuyển du lịch, phải tuân thủ nghiêm các quy định của cơ quan có thẩm quyền về công tác phòng, chống dịch. Phương tiện phải được vệ sinh, khử khuẩn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trước khi đón khách và trong suốt quá trình phục vụ…
Bên cạnh đó, chương trình cũng đưa ra hướng dẫn thực hiện dành cho doanh nghiệp, hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố gắn với việc xử lý vi phạm, thay đổi bổ sung tiêu chí phù hợp tình hình thực tế…
Phó Tổng Cục trưởng Du lịch Phạm Văn Thủy đánh giá: Sau một thời gian dài bị đình trệ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới. Yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng, chống dịch bệnh và hoạt động du lịch, lữ hành.