Pháp phản đối kế hoạch cắt giảm lượng khí đốt của EC

Các quan chức thuộc Bộ Năng lượng Pháp cho biết, nước này phản đối việc Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt mức giảm đồng bộ 15% lượng tiêu thụ khí đốt đối với mỗi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Một cơ sở khai thác dầu mỏ ở mỏ dầu Vankorskoye thuộc sở hữu của công ty Rosneft, thành phố Krasnoyarsk, vùng Siberia, Nga. (Ảnh: Reuters)
Một cơ sở khai thác dầu mỏ ở mỏ dầu Vankorskoye thuộc sở hữu của công ty Rosneft, thành phố Krasnoyarsk, vùng Siberia, Nga. (Ảnh: Reuters)

Phản ứng trên của các quan chức Pháp được đưa ra trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU tại Brussels (Bỉ), dự kiến diễn ra trong ngày 26/7.

Giới chức Pháp cho rằng, các mục tiêu về khí đốt trong tương lai của EU cần đặc biệt lưu ý tới năng lực xuất khẩu của mỗi quốc gia.

Trước đó, ngày 20/7, EC đã đề xuất tất cả các nước thành viên EU cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023.

Theo kế hoạch, mục tiêu này ban đầu sẽ là tự nguyện, nhưng sẽ trở thành quy định bắt buộc EC ban bố tình trạng khẩn cấp về khí đốt.

Đề xuất của EC đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều trong các nước thành viên EU. Trước Pháp, các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp cũng đã công khai phản đối đề xuất của EU.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao cho rằng Đan Mạch, Ireland, Italia, Malta, Hà Lan và Ba Lan sẽ tán thành đề xuất của EC.

Trong khi đó, theo 1 đề xuất do Cộng hòa Séc - quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU - đưa ra, những nước không liên kết với mạng lưới khí đốt của EU sẽ được miễn trừ quy định trên. Trong số này, bao gồm các quốc đảo như Ireland và Malta.

Những nước có lượng lưu trữ lớn về khí đốt có thể sẽ được nới lỏng phần nào về mức cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ, cũng như được phép xuất khẩu khí đốt sang các nước khác. Trong số này có Tây Ban Nha - quốc gia không phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Các lĩnh vực quan trọng như hóa chất và thép có thể cũng sẽ được miễn trừ.

Đề xuất của Séc đặt chính phủ các quốc gia EU, chứ không phải EC, chịu trách nhiệm đưa ra mục tiêu ràng buộc và chỉ có thể thực hiện mục tiêu này với sự hỗ trợ lớn từ các thành viên khác trong khối.

Ngày 25/7, Cơ quan Quản lý mạng lưới liên bang Đức (Bundesnetzagentur) thông báo, Đức đang trở lại lộ trình bơm khí đốt ổn định, song nhiều khả năng sẽ không đạt mục tiêu về dự trữ khí đốt vào ngày 1/11 tới.

Trên tài khoản Twitter, người đứng đầu Bundesnetzagentur, ông Klaus Mueller nêu rõ, nhiệm vụ hiện tại là đạt mục tiêu dự trữ khí đốt ở mức 75% ngày 1/7 tới. Tính đến ngày 23/7, tổng lượng khí đốt dự trữ của nước này đạt 65,91%.

Tuần trước, Bộ Kinh tế Đức đã nâng mục tiêu dự trữ khí đốt cho mùa thu, sau khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 hoạt động trở lại sau 10 ngày bảo trì, nhưng chỉ vận hành với 40% công suất.

Theo bộ này, các mục tiêu mới sẽ bao gồm lấp đầy 75% kho dự trữ khí đốt vào ngày 1/9, tiếp đến là 85% vào ngày 1/10 và 95% vào ngày 1/11. Bên cạnh đó, bộ cũng công bố một số biện pháp tiết kiệm năng lượng, bao gồm cấm sử dụng bể bơi nước nóng tại nhà riêng vào mùa đông.

Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, ông Mueller cho rằng, Đức sẽ không thể đạt mục tiêu dự trữ khí đốt từ 90-95% vào ngày 1/11 tới.

Theo ông, với công suất vận chuyển của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 như hiện nay, dự trữ khí đốt chỉ có thể đạt mức tối đa là 80-85%.

Cũng trong ngày 25/7, người phát ngôn điện Kremly, Dmitry Peskov cho biết, tua bin khí đốt bảo dưỡng tại Canada sau khi được trả về sẽ được lắp đặt lại ở đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 dẫn khí đốt từ Nga vào Đức, và dòng khí đốt sẽ được cung cấp với khối lượng thích hợp.

Ông Peskov cũng cho biết có thêm thiết bị của Dòng chảy phương Bắc 1 cần sửa chữa và Siemens Energey đã biết điều đó.

Ngoài ra, ông Peskov cho biết, Moskva không muốn dừng hoàn toàn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu, đồng thời tái khẳng định lập trường của Moskva rằng châu Âu đang chịu hậu quả của các biện pháp trừng phạt chính áp đặt với Nga.

Tuần trước, tập đoàn Gazprom của Nga đã nối lại nguồn cung khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 sau 10 ngày dừng để bảo dưỡng, tuy nhiên chỉ ở mức 40% công suất.

Nga cho biết buộc phải giảm lượng khí đốt xuống mức này vào tháng 6 vừa qua do các biện pháp trừng phạt của phương Tây trì hoãn việc trả lại tua bin từ Canada.

Ngày 25/7, dòng khí đốt của Nga qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đến Đức vẫn ổn định, trong khi dòng khí đốt qua đường ống Yamal - châu Âu từ Đức vào ba Lan tăng dần.