Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price (N.Prai-xơ) thừa nhận, ở giai đoạn hiện nay, nguồn cung cấp thông qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 của Nga là phương án hiệu quả để bảo đảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong ngắn hạn. Mỹ nhận định, việc nối lại nguồn cung khí đốt sẽ giúp Ðức và các đồng minh châu Âu bổ sung dự trữ khí đốt, tăng cường an ninh năng lượng.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, nếu Nga đóng hoàn toàn đường ống dẫn khí thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 1, hoạt động kinh tế của Ðức có thể giảm sút đáng kể và lạm phát gia tăng mạnh. Cụ thể, nếu Nga dừng nguồn cung khí đốt tới Ðức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể thiệt hại 1,5% GDP và lạm phát có thể lên mức 7,7% trong năm 2022.
Chính phủ Ðức có thể mua 30% cổ phần của Công ty năng lượng Uniper, khách hàng lớn nhất tại Ðức mua khí đốt của Nga. Ngoài cam kết ngăn chặn Uniper tuyên bố phá sản, việc Berlin cân nhắc khả năng mua hơn 30% cổ phần của công ty năng lượng này còn nhằm ngăn chặn phản ứng dây chuyền gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân Ðức.
Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo (O.A-đây-e-mô) cho biết, Washington hy vọng trước tháng 12 tới có thể đưa ra mức giá trần trên phạm vi toàn cầu đối với dầu mỏ của Nga. Ông Adeyemo nêu rõ, Mỹ và các nước đồng minh châu Âu kỳ vọng việc áp mức giá trần trên phạm vi toàn cầu sẽ giúp giảm giá năng lượng trong khi vẫn cho phép năng lượng của Nga được đưa ra thị trường thế giới.
Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak (A.Nô-vắc) khẳng định, Moskva sẽ không xuất khẩu dầu nếu mức giá trần thấp hơn chi phí sản xuất. Trước đó, Bloomberg đưa tin, mức giá trần mà Mỹ và các nước đồng minh đang thảo luận đối với dầu mỏ Nga là trong khoảng 40-60 USD/thùng.