Châu Âu tạm vơi cơn khát khí đốt

Nga đã nối lại hoạt động xuất khẩu khí đốt đến châu Âu qua Ðức thông qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) sau 10 ngày đóng cửa để bảo trì. Hoạt động của đường ống quan trọng này phần nào giúp châu Âu tạm vơi cơn khát khí đốt, song về lâu dài "lục địa già" vẫn nhọc nhằn với bài toán khí đốt.
0:00 / 0:00
0:00
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Công ty Nord Stream AG, nhà điều hành tuyến đường ống Nord Stream, xác nhận nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống này đã khôi phục, mặc dù khối lượng có giảm, chỉ ở mức 30% so mức tối đa. Công ty cho biết, cần một thời gian nữa đường ống mới hoạt động hết công suất. Kể từ giữa tháng 6, đường ống Nord Stream chỉ hoạt động ở mức 40% công suất, tương đương 67 triệu m3/ngày. Nguyên nhân là do các tua-bin khí của Công ty Siemens Energy (Ðức) không được bàn giao kịp thời sau khi sửa chữa do các lệnh trừng phạt của Canada đối với Nga. Nga đã cắt giảm 60% nguồn cung khí đốt tới Ðức kể từ giữa tháng 6 với lý do bảo trì, tuy nhiên, Berlin đã bác bỏ lời giải thích này và cho rằng Nga đang siết chặt nguồn cung để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva. Ðức lo ngại việc Nga dừng nguồn cung khí đốt tới nước này có thể khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu thiệt hại 1,5% GDP trong năm nay.

Vấn đề nguồn cung khí đốt bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy các nước Liên minh châu Âu (EU) vào chia rẽ sâu sắc. Mới đây nhất, một số nước EU đã phản đối đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc các nước thành viên giảm sử dụng 15% nhu cầu khí đốt để chuẩn bị cho khả năng Nga cắt nguồn cung trong bối cảnh mùa cao điểm về tiêu thụ nhiều khí đốt tới gần. Theo kế hoạch khẩn cấp của EU, các nước thành viên cần giảm sử dụng 15% nhu cầu khí đốt cho đến tháng 3/2023. EU cảnh báo, nếu không cắt giảm sâu ngay từ bây giờ thì họ có thể gặp khó khăn về nhiên liệu trong mùa đông trong trường hợp Nga cắt nguồn cung khí đốt.

Mặc dù đề xuất của EC ưu tiên sự tự nguyện từ các nước, song không loại trừ khả năng EU buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện nếu Brussels nhận thấy nguy cơ thiếu khí đốt. Bồ Ðào Nha bày tỏ hoàn toàn phản đối do cho rằng yêu cầu này không tính đến sự khác biệt giữa các quốc gia. Chính phủ Hy Lạp cũng nhấn mạnh không đồng tình với đề xuất của EC, trong khi Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Malta và Cộng hòa Síp cũng phản đối kế hoạch này. Các quốc gia thành viên EU muốn có khả năng tự kích hoạt các cơ chế khủng hoảng.

Một số quốc gia thành viên EU khác tìm kiếm cách bảo đảm nguồn cung khí đốt thông qua việc duy trì quan hệ với Nga bất chấp sự phản đối của các đồng minh trong khối. Là quốc gia phụ thuộc khoảng 85% vào khí đốt vào Nga, Hungary phản đối các lệnh trừng phạt của EU đối với hoạt động nhập khẩu khí đốt từ Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto mới đây đã đến Moskva với nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm nguồn cung khí tự nhiên cho người dân Hungary. Theo thỏa thuận kéo dài 15 năm với công ty năng lượng Gazprom của Nga ký năm 2021, Hungary sẽ được nhận 3,5 tỷ m3 khí/năm thông qua Bulgaria và Serbia và 1 tỷ m3 khí thông qua đường ống từ Áo. Hungary đang đàm phán với Nga về việc chuyển hướng toàn bộ lượng khí đốt trong thỏa thuận cung cấp lâu dài sang đường ống Turkstream đi qua Serbia. Trong chuyến thăm Nga, quan chức ngoại giao Hungary cho biết, Hungary cần thêm 700 triệu m3 khí đốt ngoài thỏa thuận cung cấp dài hạn hiện có với Nga.

Trong khi đó, để tránh phụ thuộc nguồn cung từ Nga, EU và Azerbaijan đã ký thỏa thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ quốc gia giàu năng lượng khu vực Caspi này vào châu Âu. Hai bên nhất trí mở rộng "hành lang khí đốt phía nam" chạy qua Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp nhằm nâng công suất lên 20 tỷ m3/năm trong vài năm tới. Năm ngoái, Azerbaijan cung cấp cho EU 8,1 tỷ m3 khí đốt, trong khi lượng khí đốt Nga cung cấp cho EU lên tới 155 tỷ m3, chiếm khoảng 40% nhu cầu của liên minh này.

Mặc dù dòng khí đốt tiếp tục được chảy từ Nga sang EU song căng thẳng giữa hai bên liên quan các lệnh trừng phạt của EU đối với "xứ sở Bạch Dương" tiếp tục làm nóng vấn đề nguồn cung khí đốt của châu Âu. EU tiếp tục phải lên kế hoạch triển khai loạt hành động khẩn cấp trên toàn bộ nền kinh tế khu vực, bao gồm giảm tiêu thụ nhiên liệu để sưởi ấm và làm mát, cùng một số biện pháp thị trường nhằm giảm bớt ảnh hưởng trước nguy cơ Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt bất cứ lúc nào.