Phảng phất hương lá mùi

NDO - Nếu coi cuộc đời là một chặng đường dài dằng dặc, thì mỗi năm chỉ là đoạn ngắn ngủi. Dù gấp gáp, tất bật hay đủng đỉnh, nhẩn nha cả một năm trời, rồi ai cũng chạm tới cái mốc thời gian.
Tết đến, Xuân về, trong mỗi gia đình ở Hà Nội đều không thể thiếu hoa đào và mâm cỗ Tết truyền thống.
Tết đến, Xuân về, trong mỗi gia đình ở Hà Nội đều không thể thiếu hoa đào và mâm cỗ Tết truyền thống.

Chưa hẳn là điểm dừng, cũng chẳng phải chỗ nghỉ chân trên trường đoạn cuộc đời, người ta thường bảo nhau và thầm nhủ: Thế là lại một cái Tết đến rồi. Dù háo hức đếm từng ngày mong ngóng, dù thờ ơ, hờ hững, Tết cứ về với đầy đủ diện mạo và hương vị của nó. Dường như, bước chân thời gian, nhịp đập cuộc sống và hơi thở cỏ cây, đất trời chậm dần lại hơn bình thường. Chậm đến mức tưởng như mỗi giờ, mỗi phút kéo dài ra, có thể đếm được từng giọt như cà-phê nhỏ giọt. Cho đến khoảnh khắc giao thừa, thì thời gian dừng hẳn lại, thiêng liêng, xúc động, rưng rưng không cầm được nước mắt...

Tiếng chuông chùa, tiếng chuông đồng hồ hay mùi khói hương vào thời khắc tĩnh lặng nhất của đất trời, của lòng người, khiến người ta chợt nhớ lại những ký ức, kỷ niệm ẩn sâu trong tâm thức tưởng đã chìm vào quên lãng. Quên sao được, trong bao hương vị của Tết xưa, có một mùi hương thấm sâu nhất, lắng đọng nhất. Ấy là nồi nước lá mùi già, mẹ thường đặt ngay sát nồi bánh chưng rực lửa, đượm than hồng. Ðó là những cây mùi mảnh khảnh, đã ra hoa, kết hạt nhỏ li ti. Ði chợ Tết, quên gì thì quên, bao giờ mẹ cũng nhớ mua một nắm lá mùi. Sau khi đặt nồi, xếp bánh chưng, nhóm lửa, bỏ trấu, mẹ luôn đặt nồi nước lá mùi bên cạnh. Khi nồi bánh sôi một dạo, mẹ đổ thêm nước lã cho đầy, thì nồi lá mùi cũng bốc hơi nghi ngút. Nhà tắm tềnh toàng che phên liếp, gió lùa, nhưng chỉ cần mở nồi nước, hơi nóng, hương lá mùi ngào ngạt, thơm thảo bốc lên ngào ngạt, ấm cúng lạ thường. Bao giờ mẹ cũng tự tay tắm gội cho từng đứa con. Mẹ bảo, ngày xưa bà cũng tắm gội nước lá mùi cho các con vào chiều ba mươi Tết. Chỉ có hương lá mùi thanh khiết là tẩy rửa được thân thể, đầu óc thanh sạch. Sau này, bao giờ có con cái, con cũng nhớ tắm gội cho chúng nước lá mùi ngày Tết. Ðến bây giờ, chẳng còn mấy nhà luộc bánh chưng, đun nước lá mùi hay tự làm các loại mứt. Tất cả đều có sẵn cả, không thiếu thứ gì. Vừa nhanh vừa tiện, lại vừa đỡ tốn công sức. Một cái Tết "ăn sẵn" thay cho một cái Tết làm lụng, cả nhà xúm xít, quây quần bên nồi bánh chưng đêm ba mươi. Cái sự háo hức chờ đợi được tắm gội nước lá mùi thơm dịu, thoang thoảng mà đọng lại suốt cả ba ngày Tết, dây dưa, vương vấn theo năm tháng tuổi thơ, nay không còn "đọc" thấy trong ánh mắt con cháu. Là vì những loại nước gội đầu, những mỹ phẩm hảo hạng đã lấn át, đẩy lùi vào quá khứ hương mùi già dân dã, mộc mạc. Lác đác trên đường phố chợt thấy một vài chiếc xe đạp chở những mớ lá mùi đã héo khô, tàn tạ mà chẳng mấy ai hỏi mua. Cũng không còn thấy cái sự náo nức, bồn chồn của những đứa trẻ mong được vớt nồi bánh chưng nóng rẫy, được nếm hương vị chiếc bánh "út", nhỏ bé, nhưng gói ghém những gì còn sót lại. Trẻ con bây giờ, nhìn vào đôi mắt sao ít long lanh niềm vui có được chiếc áo mới. Cứ ôm khư khư, hít mãi mùi vải mới, cả trong giấc ngủ. Không dám mặc sợ sáng mùng một Tết chiếc áo không còn mới nữa...

Cớ sao, mỗi Tết trôi đi, hương vị dân tộc, truyền thống dường như cứ tan loãng, nhạt phai và mất dần. Ngay cả cảm xúc thiêng liêng, nỗi bồi hồi, xao xuyến cũng không còn được như xưa. Ngay cả mùi hương thắp trên bàn thờ, sắc hoa đào cũng trở nên mờ nhạt hơn trước. Có một khoảng trống tâm linh hình như đang loang rộng mãi ra, mà vật chất, tiền bạc không thể lấp đầy. Hay là vì chỉ trong khó khăn, thiếu thốn người ta mới thấy nâng niu, trân trọng, giữ gìn những giá trị mà cha ông để lại. Thế nên, Tết này nhiều nhà ở Hà Nội tự gói, nấu lấy bánh chưng. Tự muối hành, tự tay làm các loại mứt dừa, mứt gừng, cà-rốt... Khó khăn, tiết kiệm chỉ là một phần nhỏ, sum họp, đầm ấm, gắn kết, giữ lấy cái gốc gia đình là gốc xã hội, chẳng phải là cái Tết bản sắc thuần Việt đậm đà hương vị đó sao? Trên cái gốc ấy, những lộc biếc, chồi non sẽ bật nở những mầm lá mới, nõn nà, xanh tươi, cho cây đời mãi mãi rễ sâu, vững chãi. Cái Tết, ấy là nút thắt chặt lại những sự lỏng lẻo, rời rạc giữa con người với nhau. 

THANH TUYỀN