Phản ứng linh hoạt trước biến động thị trường lúa gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ giữa tháng 2/2024 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm, có thời điểm ở mức dưới 600 USD/tấn. Giá lúa hiện cũng giảm so với trước do các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch vụ đông xuân với lượng lúa hàng hóa lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Đóng gói gạo xuất khẩu ở Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ. (Ảnh MINH ANH)
Đóng gói gạo xuất khẩu ở Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ. (Ảnh MINH ANH)

Biến động của thị trường lúa gạo trong nước và thế giới đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp phải linh hoạt trong triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất, thu mua, xuất khẩu gạo thời gian tới.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.

Thị trường nhiều biến động

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo cả nước đạt 708 triệu USD, tăng 49,8%; giá xuất khẩu bình quân 699 USD/tấn, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2024, xuất khẩu gạo tiếp tục đà thuận lợi nhờ nhu cầu gạo của các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao do tác động của hiện tượng El Nino và xung đột vũ trang.

Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia Phạm Thế Cường thông tin: Chính phủ Indonesia vừa quyết định tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn, nâng tổng lượng gạo nhập khẩu lên 3,6 triệu tấn.

Phản ứng linh hoạt trước biến động thị trường lúa gạo ảnh 1

Thu hoạch lúa ở xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. (Ảnh HỮU TÙNG)

Nguyên nhân do sản xuất gạo trong nước bị thiếu hụt xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác.

Trong vài tuần trở lại đây, giá gạo tại thị trường Indonesia gia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia.

Trong năm 2023, Indonesia đã vươn lên trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam với sản lượng hơn 1,1 triệu tấn, trị giá hơn 640 triệu USD, tăng 878% về lượng và tăng đến 992% về trị giá so với năm 2022.

Trong khi nhu cầu tăng cao thì nguồn cung gạo của một số quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới lại được dự báo giảm.

Bộ Thương mại Thái Lan và Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái (TREA) cho rằng, xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2024 sẽ thấp hơn khoảng 14,38% so với năm 2023, về mức 7,5 triệu tấn, do sản lượng thu hoạch trong năm 2024 dự kiến giảm khoảng 5,9%.

Trong khi đó, Ấn Độ vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo, tiếp tục khiến nguồn cung bị thu hẹp. Đây là cơ hội để Việt Nam gia tăng lượng gạo xuất khẩu trong những tháng tới.

Tại thị trường lúa gạo trong nước, những ngày qua cũng ghi nhận biến động liên tiếp về giá lúa.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp thì việc tăng giảm giá lúa như hiện nay là hoàn toàn bình thường, đúng theo quy luật cung-cầu của thị trường. Giá lúa vụ đông xuân mặc dù có giảm so với nửa cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức cao và bảo đảm lợi nhuận cho nông dân.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II, tỉnh Long An Nguyễn Tuấn Khoa cho biết: Công ty vẫn theo dõi sát diễn biến thị trường lúa gạo trong nước để tập trung mua vào phục vụ các đơn hàng xuất khẩu sắp tới. Đây cũng là thời điểm doanh nghiệp nên dồn sức mua lúa gạo hàng hóa để dự trữ, chờ thời điểm giá cao để bán ra.

Thực tế, lúa vụ đông xuân có chất lượng rất cao, nếu doanh nghiệp làm tốt công tác bảo quản sau thu hoạch thì có thể trữ tầm 3-4 tháng trước khi đưa ra xuất khẩu.

Ngoài ra, về vấn đề vốn vay và tài chính, thời điểm này doanh nghiệp cũng có những thuận lợi nhất định khi lãi suất cho vay giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực đẩy mạnh thu mua lúa.

Duy trì nguồn cung và mở rộng thị trường tiêu thụ

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho rằng, để thực hiện tốt kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2024, vẫn cần duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng gạo.

Theo thống kê, năm 2023, gạo thơm, gạo chất lượng cao chiếm hơn 75% cơ cấu gạo xuất khẩu, chứng tỏ gạo Việt Nam đang có thay đổi rõ rệt theo hướng bền vững, chất lượng cao.

Về thị trường xuất khẩu, năm 2024, Indonesia, Philippines vẫn là thị trường chính và có tiềm năng tăng cao, thị trường châu Phi tương đối ổn định.

Ngoài ra, các thị trường như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới ở các nước khu vực Trung Đông cũng đang có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia; đồng thời cũng nhờ chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của từng quốc gia, khu vực.

Trong bối cảnh đó, các địa phương cũng đang tập trung thực hiện kế hoạch sản xuất lúa năm 2024 để bảo đảm nguồn cung cho xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang Nguyễn Thành Huân cho biết: Diện tích gieo trồng bình quân hằng năm của tỉnh khoảng 630.000 ha, sản lượng khoảng 4 triệu tấn/năm, trong đó các giống lúa chất lượng cao chiếm đến 90%.

Đến nay, tỉnh An Giang có 14 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Năm 2023, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu gạo đến 60 thị trường trên thế giới, đạt gần 580.000 tấn, tương đương 339 triệu USD.

“Để đạt được kết quả đó, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân, hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng lúa hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của các thị trường chất lượng cao. Tỉnh cũng đang cùng doanh nghiệp triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Sau khi có sản phẩm gạo thương hiệu, đề xuất Bộ Công thương hỗ trợ tỉnh An Giang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, góp phần tăng giá trị cho sản phẩm gạo của tỉnh trong thời gian tới” - ông Nguyễn Thành Huân cho biết thêm.

Cùng với nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp, sắp tới, Bộ Công thương sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng gạo gắn với dịch vụ logistics ra thị trường quốc tế; nghiên cứu thúc đẩy việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trong đó có sàn giao dịch thóc gạo để bảo đảm công khai, minh bạch trong kinh doanh lúa, gạo.

Ngoài ra, sẽ xây dựng thí điểm các mô hình đưa “thương lái” vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo để vừa phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia chuỗi giá trị.