Quyết tâm xây dựng Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng ĐBSCL

Từ một tỉnh được xem là khó khăn nhất vùng ĐBSCL, nhưng sau 20 năm thành lập (1/1/2004 – 1/1/2024) Hậu Giang đã tạo được bước phát triển lớn mạnh và mở ra thời kỳ phát triển mới cho tỉnh. Chia sẽ về kết quả đạt được, đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết:
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nghiêm Xuân Thành (bìa phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Đồng Vân Thanh (thứ 2 từ trái sang), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, động viên lực lượng thi công dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang tại nút giao IC5, thuộc địa bàn xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.
Ông Nghiêm Xuân Thành (bìa phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Đồng Vân Thanh (thứ 2 từ trái sang), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, động viên lực lượng thi công dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang tại nút giao IC5, thuộc địa bàn xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.

Trong suốt chặng đường 20 năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo sát sao, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành những chủ trương đúng đắn, đã mở ra hướng đi phát triển mạnh mẽ cho vùng ĐBSCL trong đó có tỉnh Hậu Giang.

Cùng với đó là sự ủng hộ của Ban, Bộ ngành trung ương, sự chia sẻ của các tỉnh, thành bạn và sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phấn đấu không ngừng nghỉ của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hậu Giang qua nhiều thế hệ, đến nay, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Công tác tổ chức xây dựng Đảng, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị thường xuyên được kiện toàn. Phương thức lãnh đạo được đổi mới mạnh mẽ, toàn diện theo phương châm “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) liên tục tăng ở từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn 2021 – 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh.

Cụ thể là năm 2021 Hậu Giang tăng cao hơn 0,72% so với bình quân của cả nước; năm 2022 đứng thứ tư cả nước (tăng hơn 30 bậc so với năm 2021) và năm 2023 đạt mức 12,27%, vươn lên xếp thứ 2 cả nước.

GRDP bình quân đầu người đạt 80,33 triệu đồng, tăng hơn 13 lần so với năm 2004. Quy mô kinh tế tăng hơn 10 lần so với năm 2004; số doanh nghiệp hoạt động tăng hơn 7 lần; thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước và vượt chỉ tiêu trung ương giao hàng năm. Đặc biệt là giai đoạn 2021 - 2023 bình quân mỗi năm thu tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với dự toán giao.

Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm đến phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho tỉnh phát triển bền vững. Phong trào nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng tích cực, đã có 78% xã được công nhận nông thôn mới, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân.

Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với nước, đối tượng bảo trợ xã hội kịp thời, đầy đủ. Công tác giảm nghèo đi vào thực chất, nhiều mô hình giảm nghèo bền vững được phát huy, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm rất nhanh; hiện tại chỉ còn 3,8%.

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, chỉ số năng lực cạnh tranh ngày càng được cải thiện, tăng bậc qua các năm và được xếp thứ hạng khá cao so với khu vực và cả nước. Quốc phòng - an ninh được giữ vững ổn định, lực lượng vũ trang được xây dựng củng cố, hướng tới trong sạch vững mạnh, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng; triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận đã ký với các đối tác.

Có thể khẳng định, những thành tựu đạt được trong thời gian qua của Hậu Giang là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu kiền trì, bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hậu Giang.

Những kết quả này là tiền đề, là nền tảng quan trọng, tạo đà cho tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Quyết tâm xây dựng Hậu Giang trở thành điểm sáng, tỉnh khá của vùng ĐBSCL và cả nước.