Trước bối cảnh tình hình trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP quý I ước đạt 5,66% là một bước khởi đầu thuận lợi cho kinh tế Việt Nam năm 2024. Đây là mức tăng trưởng sát với kịch bản cao được xây dựng trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Kinh tế phục hồi tích cực
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế-xã hội quý I tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp, nhu cầu ngoại tệ trong nước được đáp ứng để hỗ trợ cho tăng trưởng, sản xuất, xuất khẩu; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, cán cân thương mại ước xuất siêu 8,08 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 5,2% so với cùng kỳ đã phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước có xu hướng phục hồi ở nhiều ngành, lĩnh vực. Mức tăng này sẽ tạo đà tiếp tục bứt phá cho các quý tiếp theo, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đáng lưu ý, tổng vốn FDI đăng ký trong quý I đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ; vốn thực hiện đạt 4,6 tỷ USD, tăng 7,1%, nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp bán dẫn, năng lượng tái tạo… “Kết quả này là nhờ chúng ta đã nắm bắt, phản ứng kịp thời cơ hội từ xu thế đầu tư toàn cầu, những thuận lợi, thời cơ, vị thế mới của Việt Nam để tập trung xúc tiến đầu tư, nhất là thông qua hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Theo Tổng Cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương, kết quả tăng trưởng kinh tế quý I đang sát với kịch bản cao. Tuy nhiên, giữa các khu vực có sự dịch chuyển so với kịch bản ban đầu. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ và cao nhất trong ba khu vực; hai khu vực còn lại là nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng thấp hơn mức đề ra ở cả hai kịch bản điều hành. Đây là điểm cần lưu ý trong công tác điều hành những quý còn lại của năm.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Bên cạnh sự phục hồi tích cực của kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức cả từ bên trong và bên ngoài đang tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.
Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý I thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước đại dịch Covid-19. Trong khi đó, một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Bộ trưởng cũng lưu ý một số khó khăn mới đang xuất hiện, như việc ngành hàng không giảm mạnh số máy bay thương mại, nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất khiến giá vé máy bay tăng, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của nhân dân. Vấn đề đáng lo ngại khác là có gần 74 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý I, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm khi tốc độ tăng CPI bình quân có xu hướng tăng dần.
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu có nhiều biến động khó lường, Việt Nam vẫn có những cơ hội, thuận lợi đan xen, nhất là từ các xu thế lớn, sự dịch chuyển thương mại, dòng vốn đầu tư toàn cầu, sự phục hồi nhu cầu của một số thị trường, đối tác xuất khẩu lớn... Đó là những điều kiện để có thể đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024, làm giảm áp lực lên năm 2025 - năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở cập nhật các kịch bản điều hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng 6,5%. Theo đó, tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1% so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Để đạt mức tăng trưởng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nhất quán, kiên định các mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển đã đề ra; nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để triển khai hiệu quả công việc được giao.
Trong đó cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Nhiệm vụ trọng tâm khác cần ưu tiên thực hiện là tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Theo đó, cần tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng trong nước, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng. Đồng thời, tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...; xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là những vấn đề tồn đọng, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả; đẩy mạnh đầu tư trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính.