Phấn đấu 10 đoàn viên công đoàn có một sáng kiến, sáng tạo

NDO -

Chiều 7/11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Chương trình tọa đàm trực tuyến “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. 

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải (giữa) tham gia chương trình tọa đàm.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải (giữa) tham gia chương trình tọa đàm.

Chia sẻ tại chương trình, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, tiếp nối thành công của Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” trong Tháng Công nhân năm 2021, Tổng Liên đoàn tiếp tục tổ chức Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19”, để phát huy tinh thần thi đua vượt khó, sáng tạo, ý chí quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến thắng dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe nhân dân; phấn đấu vì khát vọng một Việt Nam phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19”, được tổ chức từ nay đến năm 2023 - trước khi diễn ra Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Tổ chức Công đoàn Việt Nam kỳ vọng con số 1 triệu sáng kiến của Chương trình sẽ là dấu ấn trong phong trào thi đua của nhiệm kỳ 2018-2023; là công trình chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, cũng là thành tích của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo ông Trần Thanh Hải, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua số lượng doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể tăng, kéo theo hơn 2 triệu công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm. Nhưng "Khó khăn gấp đôi, cố gắng gấp ba" là phẩm chất tốt đẹp của người lao động Việt Nam. 

Tổ chức Công đoàn Việt Nam mong muốn, mỗi người lao động có thêm một nỗ lực để cùng doanh nghiệp, cùng đất nước đi qua những khó khăn trước mắt và có tinh thần nỗ lực vươn lên, có khát vọng phát triển vì hạnh phúc của chính mình, gia đình mình, sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp và sự phồn vinh của đất nước. Đó cũng là thông điệp “Vượt khó” của chương trình này.

Trước đó, Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” được Tổng Liên đoàn triển khai trong 80 ngày đã thu được hơn 250 nghìn sáng kiến. Đặc biệt, tổng kết năm 2021, tổng số sáng kiến đoàn viên, người lao động đã triển khai thực hiện là gần 500 nghìn sáng kiến. Tiếp nối thành công, tổ chức Công đoàn Việt Nam đặt ra Chương trình “1 triệu sáng kiến” cho 2 năm (từ 1/9/2021 đến 1/9/2023), với mong muốn cứ 10 đoàn viên công đoàn, sẽ phấn đấu có 1 sáng kiến.

Thông qua chương trình, Công đoàn của từng cấp bàn với người sử dụng lao động có kế hoạch, chính sách rõ ràng, cụ thể, động viên người lao động tham gia thi đua ở cơ sở của mình. Từ kết quả đạt được, các cấp Công đoàn sẽ có hình thức khen thưởng, biểu dương người lao động có sáng kiến phù hợp.

Phó Chánh văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Toản cho biết, các sáng kiến được tham gia chương trình phải đáp ứng một trong 4 điều kiện: Có tính mới, được hội đồng sáng kiến cơ sở hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị công nhận; được áp dụng, mang lại hiệu quả, có lợi ích kinh tế, xã hội; đề tài được ứng dụng, được các đơn vị thụ hưởng xác nhận; đối với sáng kiến hoặc đề tài có nhiều người tham gia, những người tham gia được Tổng Liên đoàn công nhận.

Đáng chú ý, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chương trình giúp ban tổ chức, các cấp Công đoàn xem xét, đánh giá các sáng kiến, tránh tình trạng ý tưởng sáng tạo bị đánh cắp. Đồng thời, giúp Ban tổ chức đánh giá, lựa chọn sáng kiến tiêu biểu để trao giải.

Trao đổi tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Thu Nhi - đơn vị dẫn đầu cả nước trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” - chia sẻ kinh nghiệm: “Trong cuộc bứt phá để đạt được kết quả đó, chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo, có các tiêu chí thi đua, chấm điểm xếp loại cho các công đoàn cấp trên cơ sở; chú trọng công tác truyền thông công đoàn; động viên, khích lệ, tạo thi đua sôi nổi của công nhân lao động trong tỉnh; khen thưởng kịp thời, thậm chí tăng số lượng giải thưởng…”.