"Phải chiến đấu, để ngày mai sẽ khác biệt”

NDO - 8 năm qua, căn bệnh ung thư máu không “quật ngã” được anh Phạm Văn Hồng. Là nhân viên y tế công tác tại một bệnh viện lớn, anh Hồng chọn cách đối mặt với sự thật phũ phàng bằng cách gieo sự lạc quan vào từng bước chạy marathon. Với anh, thể thao là một cách kiểm tra sức khỏe của mình suốt 8 năm qua. 
0:00 / 0:00
0:00
"Phải chiến đấu, để ngày mai sẽ khác biệt”

"Muốn được đi làm, đầu tiên là phải sống!", anh Hồng tâm niệm như vậy khi nhận kết quả máu ác tính vào năm 2016. Đến bản thân anh cũng không ngờ, sau biến cố lớn như vậy, anh có đủ sức khỏe để chinh phục những thách thức trên đường chạy marathon 42 kilomet; tham gia cuộc đua phối hợp 3 môn: bơi, đạp xe 90 kilomet và chạy bộ 21 kilomet dưới thời tiết 40 độ C; hoàn thành các bài tập sức bền liên tục 30 ngày…

8 năm trước, con lớn của anh Hồng mới vừa bước chân vào lớp 1, con bé mới 3 tuổi, anh Hồng còn ấp ủ bao kế hoạch xây dựng ngôi nhà hạnh phúc cho vợ con. Lần khám sức khỏe năm 2016 trở thành dấu mốc quan trọng, khi anh Hồng được bác sĩ thông báo chỉ số máu bất thường. 3 tuần tự theo dõi, anh không nghĩ mình mắc bệnh nghiêm trọng. Cho tới khi, kết quả K máu được gửi tận tay.

Bấy giờ, anh đã đi khám từ thiện ở nhiều nơi và thấy, ngoài xã hội còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình, nhưng họ vẫn vượt qua được. Vậy tại sao mình không vượt qua nó.

Bấy giờ, anh đang làm kỹ thuật viên tại Khoa Gây mê-Hồi sức, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương. Anh Hồng vừa làm, vừa bước vào cuộc chiến gian truân nhất đời mình. Ở tuổi 35, anh nghĩ, mình đã nhận án tử.

Tất cả bạn bè, người thân đều bất ngờ khi một người đàn ông sôi nổi, nhiệt huyết lại không may mắc bệnh ung thư máu. Mất thăng bằng một thời gian, anh nhìn thấy còn quá nhiều việc phía trước chưa hoàn thành, vẫn còn nợ tiền mua nhà cửa, chưa tích lũy được gì cho vợ con, công việc mới đi vào ổn định. Bấy giờ, anh đã đi khám từ thiện ở nhiều nơi và thấy, ngoài xã hội còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình, nhưng họ vẫn vượt qua được. Vậy tại sao mình không vượt qua nó.

"Phải chiến đấu, để ngày mai sẽ khác biệt” ảnh 1

Anh Hồng chinh phục đường chạy marathon.

Trong những ngày mất thăng bằng, anh từng tự nhủ “Mình phải tiếp nhận bệnh máu ác tính đến với mình, đón nhận nó một cách tích cực nhất và không được cố chấp”. Bởi thế, anh đã "buông bỏ" được những suy nghĩ tiêu cực sau vài ngày tự đóng cửa nghĩ ngợi. “Phải chiến đấu, để ngày mai sẽ khác biệt”, nghĩ vậy, anh động viên cha mẹ, vợ con, đi theo phác đồ điều trị của bác sĩ và nỗ lực hết mình quay trở lại với công việc.

Anh nhanh chóng xác định rất rõ, nếu không mắc bệnh này, mình có thể mắc bệnh khác còn kinh khủng hơn. Nếu khóc mà khỏi bệnh thì mình sẽ khóc một tháng. Nhưng khóc không giải quyết được điều gì. Suy nghĩ như vậy nên anh luôn chăm sóc dinh dưỡng cẩn thận, sinh hoạt lành mạnh, chú ý phòng chống nhiễm khuẩn. Ở bên anh luôn có người vợ tảo tần, ngày hai bữa chị đều đặn mang cơm từ nhà vào bệnh viện cho anh.

"Để trở lại công việc, thì phải sống", từ đó, anh không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào, bắt đầu tìm hiểu về phương pháp điều trị và những người từng điều trị, những phương pháp khoa học tốt nhất và chắt lọc mọi thông tin khoa học tốt nhất.

“Khi điều trị hóa chất, tôi tìm hiểu bao nhiêu ngày tế bào hồng cầu, tiểu cầu hồi phục giúp tốt nhất cho mình nên tôi không ngại làm gì. Mặc dù mồm lở loét, dạ dày chỉ muốn nôn trớ, nhưng tôi chưa từng bỏ một bữa ăn nào, cũng không sút giảm cân nào”, anh Hồng kể.

Nói vậy, nhưng cũng có thời gian anh vô cùng bi quan. Sau lần điều trị hóa chất đợt 1, chỉ số số máu chưa thể về bình thường, anh Hồng đã nghĩ đến tình huống xấu bị suy tủy. Nhưng may mắn lại đến với anh.

“Tôi mắc Lơ xê mi cấp thể M3, là thể nặng. Tuy nhiên, may mắn với tôi, thể ung thư máu này có thuốc điều trị đích. Biến chứng nguy hại với M3 là rối loạn đông máu, có thể bị chảy máu các cơ quan nội tạng, xuất huyết não trong điều trị và biến chứng về phổi. Nhưng cũng một lần nữa, may mắn đã đến với tôi khi không gặp biến chứng nặng nề, chỉ viêm loét miệng do suy giảm miễn dịch”, anh Hồng kể.

"Phải chiến đấu, để ngày mai sẽ khác biệt” ảnh 2

Ở bên anh luôn có người vợ tảo tần, ngày hai bữa chị đều đặn mang cơm từ nhà vào bệnh viện cho anh.

Ở Khoa Huyết học người lớn, anh Phạm Văn Hồng không chỉ là bệnh nhân đơn thuần, anh còn là người chia sẻ những câu chuyện tích cực trong cuộc sống, còn hỗ trợ lấy ven bệnh nhân giúp các bạn kỹ thuật viên. Anh trở thành một biểu tượng cho niềm hy vọng với nhiều người bệnh nằm tại đây bởi chính sự lạc quan và khỏe mạnh mà anh đã giành được.

Hỏi anh, điều gì giúp anh có được tinh thần ấy sau những ngày tháng khắc nghiệt ấy, anh Hồng tâm sự, trong hành trình chữa bệnh, quan trọng nhất chính là tinh thần và sức khỏe của mình. Những gì diễn ra ngày hôm qua đã không thay đổi được, thì điều cần nhất, chính là phải làm tốt việc hôm nay. Ngày mai chưa bao giờ với tới được nên đừng ước mong muốn gì, cứ làm đi, tích cực một chút thì những kỳ tích sẽ tới.

Trong hành trình chữa bệnh, quan trọng nhất chính là tinh thần và sức khỏe của mình.

Anh Phạm Văn Hồng

Sự theo dõi sát sao trong quá trình điều trị và những lời động viên từ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, bác sĩ chuyên khoa II Mai Lan, bác sĩ Vũ Đình Hùng đã bồi đắp cho anh niềm tin sống. Tính kỷ luật và lý trí đã giúp anh Hồng đạt được mục tiêu. Chỉ sau 3 đợt điều trị, anh đã lui bệnh hoàn toàn. Anh lại trở về với công việc.

Trong 2 năm đầu, đam mê thể thao được duy trì bằng đạp xe nhẹ nhàng, tập yoga, thiền để lấy lại thể lực. Ý chí của anh bền bỉ tới mức dịch Covid-19 cũng không thể khiến anh từ bỏ thói quen rèn luyện thể chất. Trong những ngày giãn cách xã hội, anh linh hoạt thay đổi quãng đường chạy và đã hoàn thành cự ly 21 kilomet ngay trong hành lang chung cư. Anh tham gia thử thách 30 ngày liên tục chống đẩy, nhảy dây, tập plank.

Sau 5 tháng chạy bán marathon, và sau tham gia nhiều giải chạy bộ, anh Hồng đã tham gia giải chạy marathon. “Để chơi được thể thao, tôi phải kiểm soát mọi thứ về tinh thần, sức khỏe và phải tuân thủ kỷ luật vì mình đang có bệnh nền. Còn sống là còn may mắn nên mình rất quý trọng việc đó nên không chủ quan với việc vận động thể thao.

Ít ai biết, một người vốn mắc bệnh K, suy kiệt sức khỏe, nhưng mỗi ngày anh chọn cách đi bộ hoặc đạp xe đi làm. Anh rèn luyện cơ thể bằng cách, cả nhà đi ô-tô về quê xa 60km, anh chọn cách tự đạp xe về nhà.

Tập luyện mỗi ngày cũng là cách để anh Hồng gia tăng nguồn cảm hứng, nạp thêm năng lượng tích cực. Có lẽ chính vì vậy mà khi đối diện với điều không may, anh Phạm Văn Hồng luôn suy nghĩ đến mặt tươi sáng: “Mọi người hãy xác định những gì của ngày hôm qua và chính căn bệnh này là không thể thay đổi. Đừng nuối tiếc hay tuyệt vọng! Bất kể điều gì đến, chúng ta cứ đón nhận một cách vui vẻ, coi nó như là một phần cuộc sống của mình. Tất cả mọi người đều có cơ hội, may mắn sẽ chờ đón ở ngày mai”.

"Phải chiến đấu, để ngày mai sẽ khác biệt” ảnh 3

Những bước chạy của anh luôn có vợ đồng hành.

6 tháng sau điều trị, anh trở lại công việc. Bệnh đã lui hoàn toàn. Cuối 2017, anh chọn cách xin nghỉ ở Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương, ra làm quản lý ở một hệ thống nha khoa. Nhìn lại hành trình 8 năm như một giấc mơ, anh chỉ cười bảo “Phải tin tưởng tuyệt đối vào quá trình điều trị và sự tiến bộ khoa học, tin vào bác sĩ. Đừng tìm đến những điều bi quan không rõ nguồn gốc mà hãy tin vào khoa học”.

Hiện tại, anh Hồng đang làm quản lý một phòng khám răng hàm mặt ở Hà Nội. Anh chọn cách làm thiện nguyện, sẻ chia với người bệnh mà không mong cầu sự đền đáp. Bởi anh mong rằng những điều may mắn trong cuộc sống sẽ lại tiếp nối.