Theo thông báo của Bộ Du lịch Peru, khu di tích Machu Picchu và tuyến đường mòn Inca dẫn vào danh thắng này sẽ tạm thời đóng cửa từ ngày 21/1 cho đến khi có thông báo mới để bảo đảm an ninh.
Trước đó đã xảy ra các vụ tấn công nhằm vào khu vực mỏ đồng lớn Antapaccay của thành phố Glencore thuộc vùng Cusco - cửa ngõ dẫn tới Machu Picchu.
Người biểu tình quá khích thậm chí còn tiến hành các vụ tấn công tại các sân bay ở Arequipa, Cusco và Juliaca.
Trong khi đó, ngày 20/1, 1 nhóm người biểu tình đeo mặt nạ đã xông vào khuôn viên Đại học quốc gia Mayor de San Marcos, đánh đuổi nhân viên bảo vệ trường sau khi lấy áo và một số vật dụng trang bị cho đội ngũ bảo vệ trường.
Nhiều đoạn video đăng tải trực tuyến cho thấy, cơ quan chức năng Peru đã phải sử dụng xe thiết giáp để đưa các lực lượng an ninh vào khuôn viên trường.
Theo giới chức Peru, tổng cộng 205 đối tượng bị bắt giữ tại trường vì đã xâm nhập và có hành vi trộm cắp đồ điện tử.
Peru đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội nghiêm trọng sau khi Tổng thống Pedro Castillo bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới.
Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh của Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao cũng như các nghị sĩ quốc hội Peru, coi đây là hành động “đảo chính”.
Quốc hội Peru đã bỏ phiếu phế truất ông Castillo. Phó Tổng thống Dina Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời sau khi ông Castillo bị cảnh sát bắt giữ.
Sự việc đã làm bùng lên làn sóng biểu tình, khiến ít nhất 42 người thiệt mạng, trong đó có 1 sĩ quan cảnh sát.
Người biểu tình kêu gọi đình công toàn quốc, triệu tập hội đồng lập hiến, đóng cửa Quốc hội, đòi Tổng thống Boluarte từ chức, trả tự do cho cựu Tổng thống Castillo, tiến hành bầu cử sớm và ban hành Hiến pháp mới.
Tổng thống lâm thời Boluarte đã lên tiếng xin lỗi về sự việc nhiều người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, đồng thời kêu gọi hòa bình. Tuy nhiên, bà bác bỏ các yêu cầu từ chức, và khẳng định đã yêu cầu Quốc hội đẩy nhanh kế hoạch bầu cử.