Peru ban bố tình trạng khẩn cấp vì biểu tình

Cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội tại Peru chưa lắng dịu sau làn sóng biểu tình tiếp diễn trong những tuần qua. Ngày 15/1, Chính phủ Peru đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Thủ đô Lima và một số khu vực khác.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát Peru ngăn chặn biểu tình tại Thủ đô Lima. Ảnh: CNBC
Cảnh sát Peru ngăn chặn biểu tình tại Thủ đô Lima. Ảnh: CNBC

Theo sắc lệnh được đăng trên công báo Peru, tình trạng khẩn cấp được Chính phủ Peru ban hành có hiệu lực trong 30 ngày, trong đó cho phép quân đội can thiệp để duy trì trật tự an ninh và hạn chế các hoạt động tụ tập đông người. Trước đó, ngày 10/1, Chính phủ Peru cũng đã áp đặt lệnh giới nghiêm trong ba ngày tại vùng Puno ở miền nam nước này, nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình bạo lực. Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh trước đó đã khiến ít nhất 18 người thiệt mạng.

Trong khi đó, ngày 14/1, sân bay tại Cusco - thành phố cửa ngõ tới điểm du lịch nổi tiếng Machu Picchu ở miền nam Peru, đã mở cửa trở lại sau hai ngày buộc phải ngừng hoạt động do tình trạng biểu tình rầm rộ. Hôm 11/1, đụng độ đã xảy ra tại Cusco khi nhiều người biểu tình tìm cách vào sân bay, trong khi nhiều người khác đốt một trạm xe bus, tấn công các cửa hàng và đặt các tảng đá lớn chặn đường ray tàu hỏa. Nhà chức trách cho biết, ít nhất một người thiệt mạng, hơn 50 người bị thương, trong đó có 19 cảnh sát.

Cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội nghiêm trọng nổ ra tại Peru sau khi Tổng thống Pedro Castillo hồi tháng 12/2022 đã bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới. Động thái trên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao cũng như các nghị sĩ và bị coi là hành động “đảo chính”. Quốc hội Peru đã phế truất ông Castillo và Phó Tổng thống Dina Boluarte đã đảm nhậm chức Tổng thống lâm thời sau khi ông Castillo bị cảnh sát bắt giữ.

Thủ tướng Alberto Otarola tiếp tục giữ cương vị điều hành, sau khi chính phủ mới do ông thành lập đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội ngày 10/1 vừa qua. Theo Hiến pháp Peru, Tổng thống có quyền tổ chức cuộc bầu cử mới nếu chính phủ hai lần không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

Xáo trộn trên chính trường đã làm bùng lên làn sóng biểu tình trên khắp Peru, đến nay đã khiến ít nhất 41 người thiệt mạng, hơn 350 dân thường và hơn 170 cảnh sát bị thương, gần 330 người bị bắt giữ. Người biểu tình còn kêu gọi đình công trên toàn quốc, yêu cầu triệu tập Hội đồng lập hiến, đóng cửa Quốc hội, đòi Tổng thống lâm thời Dina Boluarte từ chức, tiến hành bầu cử sớm và ban hành Hiến pháp mới.

Tổng thống lâm thời Dina Boluarte đã xin lỗi về việc nhiều người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, đồng thời kêu gọi các nỗ lực khôi phục ổn định. Tuy nhiên, bà bác bỏ yêu cầu từ chức, khẳng định đã thúc giục Quốc hội đẩy nhanh kế hoạch tổ chức bầu cử.

Văn phòng Tổng Công tố Peru ngày 10/1 mở cuộc điều tra nhằm vào Tổng thống Dina Boluarte và các thành viên chính phủ bị cho là chịu trách nhiệm về làn sóng biểu tình bạo lực vừa qua. Trưởng công tố Peru Patricia Benavides cho biết, các cuộc điều tra tập trung vào những vụ đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tại các vùng miền nam, như Puno, Cusco, Arequipa, Apurimac và Ucayali, cũng như tại Thủ đô Lima.

Mỹ kêu gọi các bên ở Peru kiềm chế trong bối cảnh đụng độ giữa những người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Pedro Castillo với lực lượng an ninh trong các cuộc biểu tình vừa qua. Trong tuyên bố ngày 11/1, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, Washington công nhận quyền biểu tình ôn hòa và bày tỏ bất bình thông qua các kênh phù hợp, đồng thời kêu gọi các bên cùng nhau đối thoại trên tinh thần kiềm chế và phi bạo lực.