Căng thẳng tại Peru chưa hạ nhiệt, Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp

Làn sóng biểu tình tiếp diễn, khiến Chính phủ Peru phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Lima và một số địa phương. Theo sắc lệnh ban hành ngày 15/1, tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trong 30 ngày, theo đó quân đội được phép triển khai nhằm khôi phục trật tự an ninh.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát tuần tra tại thủ đô Lima, Peru ngày 4/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát tuần tra tại thủ đô Lima, Peru ngày 4/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước lệnh về tình trạng khẩn cấp tại Lima, hôm 10/1, Chính phủ Peru đã ban hành lệnh giới nghiêm trong ba ngày tại vùng Puno ở miền nam, nơi có ít nhất 18 người chết do đụng độ trong biểu tình.

Ngày 14/1, sân bay quốc tế tại thành phố Cusco, nơi có khu du lịch Machu Picchu nổi tiếng ở miền nam Peru, đã hoạt động trở lại sau hai ngày buộc phải đóng cửa do người biểu tình tìm cách vào sân bay, chặn các hoạt động của xe buýt, tàu hỏa trong khu vực. Ðụng độ hôm 11/1 tại đây cũng khiến ít nhất một người chết, hơn 50 người bị thương.

Trong khi đó, Văn phòng Tổng công tố Peru cho biết đã mở hàng loạt cuộc điều tra nhằm vào các quan chức chính phủ bị cho là chịu trách nhiệm về làn sóng biểu tình vừa qua. Ðiều tra tập trung vào các vụ đụng độ tại các địa phương ở miền nam. Ðến nay, làn sóng biểu tình bạo lực tại Peru đã khiến ít nhất 41 người chết, hơn 350 dân thường và hơn 170 cảnh sát bị thương.

Khủng hoảng chính trị-xã hội nghiêm trọng tại Peru bùng nổ hồi tháng 12/2022, sau khi cựu Tổng thống Pedro Castillo tuyên bố giải thể Quốc hội, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức bầu cử. Ðộng thái này bị coi là “hành động đảo chính”. Quốc hội Peru đã phế truất ông Castillo và bầu Phó Tổng thống Dina Boluarte làm Tổng thống lâm thời.