Bầu cử vòng 2 Quốc hội Pháp: Sự trỗi dậy của phe cánh tả

NDO - Theo kết quả sơ bộ từ Bộ Nội vụ Pháp, bất ngờ đã xảy ra tại vòng 2 bầu cử Quốc hội mới ở Pháp khi liên minh cánh tả về đầu, khôi phục sự ảnh hưởng quan trọng trên chính trường Pháp. Trong khi đó, bước đột phá của phe cựu hữu ở vòng 1 bị chặn đứng vì chỉ xếp thứ 3, sau liên minh cầm quyền.
0:00 / 0:00
0:00
Không có liên minh nào giành được đa số quá bán để có thể đề cử đại diện làm thủ tướng. Chính trường Pháp sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. (Nguồn: Ảnh chụp từ màn hình kênh TF1)
Không có liên minh nào giành được đa số quá bán để có thể đề cử đại diện làm thủ tướng. Chính trường Pháp sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. (Nguồn: Ảnh chụp từ màn hình kênh TF1)

Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (gồm 4 chính đảng chính: Đảng Cộng sản - PCF, Nước Pháp Bất khuất - LFI, đảng Sinh thái - EELV và đảng Xã hội - PS) giành được 179 ghế, trở thành lực lượng chính tại Quốc hội.

Đây là một chiến thắng rất bất ngờ và khẳng định sự hiệu quả Mặt trận Cộng hòa, được huy động để tạo nên "rào cản truyền thống" trong các cuộc bầu cử nhằm ngăn chặn phe cựu hữu lên nắm quyền.

Liên minh của đảng cầm quyền Phục hưng đứng thứ 2, với 164 ghế, sụt giảm hơn rất nhiều so với 305/577 ghế vào năm 2017 và 250 ghế vào năm 2022.

Tiếp đó là phe cựu hữu với 142 ghế, tụt hẳn so với mức dự báo (210 - 240). Dù vậy, đảng cựu hữu Tập hợp Quốc gia trở thành nhóm lớn nhất tại Quốc hội. Còn đảng cánh hữu Những người Cộng hòa và liên minh được 45 ghế.

Tỷ lệ đi bầu đạt mức cao nhất kể từ năm 1997, khoảng 67,1%. Kết quả này khẳng định ý nghĩa lịch sử của cuộc bầu cử này và tầm quan trọng của nó trong việc tái cấu trúc chính trường.

Dù tỷ lệ đi bầu cao nhưng không có phe phái nào giành được đa số tuyệt đối, cho thấy không có "chiến thắng trọn vẹn". Như vậy có rất nhiều cử tri đi bỏ phiếu ở vòng 1 và vòng 2 chỉ là nhằm ngăn chặn đà tiến của phe cựu hữu.

Kết quả bầu cử đã khẳng định quyết định sáng suốt và đoàn kết của phe cánh tả khi thành lập Mặt trận Bình dân Mới vào ngày 13/6/2024. Theo đó, bốn chính đảng lớn này đồng thuận đề cử những ứng cử viên duy nhất tại 577 đơn vị bầu cử tại 2 vòng vào ngày 30/6 và 7/7.

Bầu cử vòng 2 Quốc hội Pháp: Sự trỗi dậy của phe cánh tả ảnh 1

Những người ủng hộ liên minh cánh tả ăn mừng kết quả bầu cử tại Quảng trường Bastille ở Paris. (Ảnh: Le Monde)

Khi đó, Bí thư thứ nhất của Đảng Xã hội Olivier Faure nói rằng "một trang sử mới của nước Pháp đang được viết", còn Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel và bà Marine Tondelier, đứng đầu đảng Sinh thái, cho rằng "sự thay đổi đang diễn ra" và "sự kỳ vọng lớn lao về đoàn kết của phe cánh tả đã được thể hiện."

Không có liên minh nào có đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Tại vòng 1, có 76 ứng cử viên đã đắc cử trong đó có tới 39 người thuộc phe cực hữu.

Sau bầu cử là giai đoạn không kém phần quan trọng khi các đảng phái thành lập các nhóm và liên minh tại Quốc hội và công bố vào ngày 18/7. Nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng "chung sống chính trị", tức thủ tướng sẽ là đại diện của phe phái đối lập.

Phát biểu sau khi có kết quả sơ bộ, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal nói rằng đêm bầu cử 7/7 đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Ông cũng cho biết ông sẽ đệ đơn từ chức vào ngày 8/7 nhưng sẽ tiếp tục nhiệm vụ trong bối cảnh sắp diễn ra Thế vận hội Olympic Paris, cho tới khi có quyết định của Tổng thống Emmanuel Macron.

Hiến pháp của Cộng hòa Pháp quy định rằng Tổng thống có quyền lựa chọn thủ tướng mà không cần tham vấn hoặc có sự nhất trí của các nghị sĩ. Dù vậy để có ủng hộ khi đưa ra các quyết sách hay dự luật, thủ tướng cần có sự hậu thuẫn của đa số tại Quốc hội.

Theo thông cáo từ Điện Elysée Palace, Tổng thống Emmanuel Macron chỉ đưa ra quyết định sau khi Quốc hội mới được hình thành. Đây là vấn đề rất nan giải.

Trước đó vào ngày 3/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố tại Hội đồng Bộ trưởng rằng sẽ không "cùng lãnh đạo" với đảng Nước Pháp Bất khuất của ông Jean-Luc Mélenchon. Nguyên nhân thực tế là do hai bên không bao giờ có cùng quan điểm và tiếng nói trong những năm qua.

Ngay sau khi kết quả sơ bộ của vòng 2 được công bố, một số nhân vật chủ chốt của liên minh cầm quyền cũng cho rằng liên kết với phe cánh tả không phải là một "lựa chọn tối ưu."

Như vậy tình hình chính trị của nước Pháp còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới, liên quan đến việc thành lập các nhóm và liên minh tại Quốc hội mới.

Diễn biến trong hai năm qua cho thấy, liên minh cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron đã gặp rất nhiều khó khăn vì không có đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Tổng thống Pháp đã phải cải tổ nội các, thỏa hiệp với các phe phái khác nhưng không tránh khỏi việc vận dụng nhiều lần Điều 49.3 trong Hiến pháp để thông qua một số dự luật quan trọng như cải cách hưu trí gây nhiều tranh cãi và phản đối.

Phe cánh tả trở thành lực lượng chính tại Quốc hội mới, có thể gây nhiều sức ép đối với Tổng thống Emmanuel Macron. Như vậy chính trường Pháp chưa thể sớm ổn định vì việc bổ nhiệm một ứng cử viên cánh tả cũng có thể vấp phải sự phản đối của phe cực hữu và thậm chí cả những thành viên của liên minh cầm quyền. Nếu giữ lại Thủ tướng Gabriel Attal có thể xảy ra khả năng bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Ra đời từ ngày 17/06/1879, Quốc hội Pháp (Hạ viện) có hai chức năng chính: ra luật và giám sát hoạt động của chính phủ. Kết quả bầu cử Hạ viện qua hai vòng cho phép xác định đảng nào chiếm được đa số, và liệu có đảng nào chiếm được đa số tuyệt đối để giành được vị trí thủ tướng.

Hạ viện mới được bầu với nhiệm kỳ 5 năm, gồm 577 nghị sĩ. Phương thức bầu cử là phổ thông đầu phiếu và ứng cử viên được bầu theo các đơn vị bầu cử. Dù vậy mỗi ứng viên đắc cử đều trở thành đại diện cho toàn bộ nhân dân chứ không phải chỉ cho các cử tri trong khu vực bầu cử của mình.

Các nghị sĩ thường tập hợp thành từng nhóm chính trị tại Hạ viện (ít nhất 15 nghị sĩ/nhóm).

Chủ tịch Hạ viện có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị Pháp, là người điều hành hoạt động của Hạ viện, có quyền bổ nhiệm một số quan chức tại các định chế ngoài Quốc hội và một số quyền hạn khác như được tổng thống tham vấn trong một số trường hợp như giải tán Hạ viện (theo điều 12 của Hiến pháp) hay trao cho tổng thống thêm một số quyền hành đặc biệt (theo điều 16 của Hiến pháp).