Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn

NDO - Sáng 17/12, tại Hà Nội, Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 đã chính thức khai mạc với các phiên hội thảo chuyên đề. Diễn đàn do Chính phủ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức có chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu dự hội thảo chuyên đề 4.
Các đại biểu dự hội thảo chuyên đề 4.

Với 4 hội thảo chuyên đề, nội dung xoay quanh việc phân tích, đánh giá các kết quả phát triển kinh tế-xã hội đất nước năm 2022 trên nhiều lĩnh vực, dự báo tác động tình hình trong nước và quốc tế, các đại biểu đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp quan trọng để Chính phủ xây dựng kế hoạch, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Hội thảo chuyên đề 1 có chủ đề “Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới”. Các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận, làm rõ không gian phát triển quốc gia; định hướng phát triển cho các vùng động lực, cực tăng trưởng; các ngành ưu tiên, mũi nhọn có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn, khả năng cân đối nguồn lực của nền kinh tế… Từ đó, các đại biểu cũng đưa ra những nhận diện về rào cản, khó khăn và đề xuất giải pháp, chính sách trọng tâm nhằm tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới hiệu quả, bền vững.

Tại hội thảo chuyên đề 2, các đại biểu tập trung vào nhận diện rủi ro và thách thức đối với thị trường tài chính cũng như thị trường bất động sản hiện nay. Nhận diện những rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô; tiềm năng của thị trường bất động sản và thị trường tài chính Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản…

Với hội thảo chuyên đề 3, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 là nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận. Nhiều ý kiến đánh giá đây là kênh có tác động lan tỏa tốt, giúp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là trong tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro gia tăng. Các đại biểu trao đổi, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc về các kết quả, hạn chế tồn tại trong công tác giải ngân đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công; đồng thời đề xuất những giải pháp, đưa ra những kiến nghị để khắc phục căn bản, triệt để vấn đề này trong thời gian tới, tạo động lực tăng trưởng cho năm 2023.

Hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề “Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế-xã hội” nhận được sự quan tâm lớn với hơn 200 khách mời tham dự. Các tham luận chính của hội thảo tập trung bàn về các vấn đề: triển vọng thị trường lao động toàn cầu 2023 và các gợi ý chính sách đối với Việt Nam; tình hình doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động năm 2022; đổi mới và nâng cao hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, thách thức; bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và phúc lợi cho người lao động.

Cùng đó, nhiều ý kiến phát biểu thảo luận cũng làm rõ thực trạng về việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi đối với người lao động; kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong thời gian qua; Nhận diện rõ những rủi ro và thách thức đối với thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi cho người lao động trong thời gian tới. Một số ý kiến đã giới thiệu các mô hình, cách làm hay; đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi cho người lao động trong thời gian tới.

Theo chương trình, chiều 17/12 sẽ diễn ra phiên toàn thể của Diễn đàn.