Hậu Giang công nhận thêm 24 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

NDO - Ngày 16/11, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Có 24 sản phẩm đến từ 4 địa phương trong tỉnh đăng ký, gồm: huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp và thị xã Long Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên phát biểu tại Hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên phát biểu tại Hội nghị.

Theo đó, tất cả 24 sản phẩm đều được các thành viên hội đồng OCOP tỉnh bỏ phiếu thống nhất công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.

Trong đó, huyện Vị Thủy có 6 sản phẩm (1 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao); thị xã Long Mỹ có 11 sản phẩm (2 sản phẩm đạt 4 sao, 9 sản phẩm đạt 3 sao); huyện Phụng Hiệp có 3 sản phẩm đạt 4 sao; huyện Long Mỹ có 4 sản phẩm (3 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm thăng hạng từ 3 sao lên 4 sao).

Như vậy, tính đến nay, Hậu Giang đã có 150 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh.

Theo đánh giá của ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, hầu hết chủ thể các sản phẩm đều có sự quan tâm, đầu tư trong việc tạo ra sản phẩm OCOP cho địa phương, từ đó chất lượng và mẫu mã sản phẩm bước đầu đáp ứng được yêu cầu.

Đặc biệt biểu dương nhiều chủ thể tạo ra sản phẩm OCOP mới cho địa phương như: Dầu gội dược liệu N22, nấm rơm đóng hộp, dưa hấu không hạt Bình Kỳ...

Hậu Giang công nhận thêm 24 sản phẩm OCOP cấp tỉnh ảnh 1

11 sản phẩm ở thị xã Long Mỹ được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.

Tuy nhiên, còn một số bao bì sản phẩm cần bổ sung mã QR để người tiêu dùng thuận tiện trong truy xuất nguồn gốc, hình ảnh mẫu mã bao bì của một số sản phẩm phải có sự khác biệt rõ ràng với những sản phẩm cùng loại trước đó; đồng thời lưu ý những hồ sơ chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thì phải có sự bổ sung nhằm gia tăng uy tín và giá trị cho sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, trên bao bì sản phẩm cần bổ sung thêm công dụng của sản phẩm.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đề nghị ngành nông nghiệp và thông tin truyền thông tỉnh sớm có giải pháp hỗ trợ các chủ thể sản phẩm vừa được công nhận đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh để tăng cường quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đối với các chủ thể, cần tiếp tục quan tâm cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng. Riêng các chủ thể có sản phẩm OCOP nhưng còn làm ăn nhỏ lẻ nên có giải pháp liên kết với các chủ thể OCOP cùng ngành nghề, nhằm tạo ra sản lượng đủ lớn để cung ứng cho thị trường, đồng thời hưởng được những chính sách ưu đãi của tỉnh nhằm phát triển sản phẩm ngày một tốt hơn.