Ô tô địa hình - Công phu nghề chơi mới

NDO - NDĐT-Từ chiếc xe cũ, chỉ khoảng 40-50 triệu đồng, qua tay một thợ ô tô địa hình đã có thể biến thành ''chú ngựa sắt'' hoàn hảo chinh phục những đoạn đường lỗi lõm, thậm chí gấp khúc 90 độ. Với dân chơi xe địa hình (off-roader) chuyên nghiệp, sự mạo hiểm khi vượt qua những đoạn đường khó là thứ men say gắn họ với môn thể thao còn nhiều mới mẻ.
Môn chơi ô tô địa hình không tốn tiền và nguy hiểm như nhiều người nghĩ.
Môn chơi ô tô địa hình không tốn tiền và nguy hiểm như nhiều người nghĩ.

Nói đến chơi xe, nhất là đối với xe địa hình, nhiều người sẽ nghĩ đến những chi phí đắt đỏ lên tới hàng tỷ bạc, nhưng trên thực tế hầu hết các chiếc xe ô tô địa hình ở Việt Nam đều có giá không quá 1 tỷ đồng. Người chơi xe phía Bắc hay có cụm từ "chế, tráo, cắt, gọt’’, để thể hiện các công đoạn sửa sang, thay thế phụ tùng. Anh khá tiền có thể đặt nguyên cả bộ phụ tùng xe từ nước ngoài với giá cả tỷ đồng, nhưng phần lớn các tay đua Việt Nam đều chọn cách "chế, tráo, cắt, gọt’’ , nội địa hoá là chính cho ’’chú ngựa sắt’’ đáng yêu của mình.

Chi phí ban đầu khá rẻ, người chơi thường chọn mua những chiếc xe hai cầu càng cũ càng tốt. Theo anh Phùng Hoàng Minh, nhân viên FPT, người có thâm niên chơi xe 7 năm, các xe đời mới thường sử dụng hệ điều hành điện tử mà những thiết bị này lại dễ hỏng hóc khi đi vào địa hình lầy lội, ẩm thấp ở nơi rừng sâu, núi thẳm. Thế nên, những chiếc xe đã qua 15 năm, thậm chí 20 năm sử dụng là đối tượng để các tay chơi xe tìm đến.

Phần “độ” xe mới là nơi để thể hiện khả năng chơi xe của từng người và đây cũng là phần tốn kém nhất. Chi phí bao nhiêu phụ thuộc khả năng hiểu biết về cơ khí cũng như độ chơi từng người. Khéo tay, giàu sáng tạo chỉ mất khoảng 200 triệu đồng cũng có thể tạo nên ’’chú ngựa chiến’’ khiến nhiều đồng đội ’’lác mắt’’.

Cũng vì chi phí độ xe khá tốn kém và đòi hỏi nhiều lần "chế, tráo, cắt, gọt’’ nên rất nhiều tay đua đã bỏ công việc thường ngày để chuyển sang mở ga-ra ô tô riêng. Những người có ga-ra thường đỡ được rất nhiều khoản tiền thay thế, sửa chữa, đồng thời cũng tiện ’’giao lưu’’, đổi đồ với xe khác. Còn với người nhiều tiền, họ thường sắm cả bộ phụ tùng từ nước ngoài để tạo nên những chiếc xe khá hoàn chỉnh và chắc chắn cũng ít ’’nằm bẹp’’ giữa đường hơn những chiếc xe qua tay các ’’nhà sản xuất trong nước’’.

Là môn chơi đòi hỏi những hiểu biết về cơ khí nên hầu hết người chơi đều phải tự đào tạo và học hỏi từ đồng đội để biết sửa chữa xe khi cần. Hỏng hóc vặt, rất nhiều tay đua có thể tự sửa chữa để đưa xe về ga-ra gần nhất, nếu nặng hơn thì nhiều người phải gọi đồng đội ứng cứu. Thế nên, hầu hết các xe đua địa hình đều trang bị bộ phận tời, móc khá chuyên nghiệp để sẵn sàng khi bí.

Điều khiến nhiều người còn e ngại khi đến với môn thể thao này là sự mạo hiểm, nhưng trên thực tế đây là môn khá an toàn. Anh Nguyễn Đức Hiền, người vừa giành giải ba ở cuộc thi Halong Challenge 2012 ở Tuần Châu đầu tháng 6 này, cho biết: "Đặc điểm của môn này là đi trên địa hình khó nên người lái xe không thể đi nhanh mà phải tùy thuộc vào địa hình cụ thể để đưa ra quyết định’’. Anh Phùng Hoàng Minh cũng cho biết, môn đua xe địa hình an toàn hơn đua xe tốc độ khá nhiều, bởi khi đi với tốc độ thấp thì các tay đua sẽ có nhiều thời gian cân nhắc, xử lý tình huống hơn.

Nguy cơ lớn nhất với các tay đua nằm ở việc đi ở những đoạn gấp khúc lớn dễ xảy ra chuyện lật xe. Tuy nhiên, phần lớn các xe đều được trang bị khung chống lật, người đi xe phải đội mũ bảo hiểm và cơ thể được dính chặt vào ghế lái nên khi bị lật nhẹ thì thường không xảy ra chấn thương. Bản thân anh Phùng Hoàng Minh và Nguyễn Đức Hiền từng vài lần bị lật xe nhưng chưa bao giờ bị xây xước.

Yếu tố khiến những người chơi say mê môn thể thao này chính là họ được thể hiện cái chất nam tính của mình một cách trọn vẹn. Có những lúc phải loay hoay bên chiếc xe hỏng hai ngày trời trong rừng hoặc những khi phải thức trọn đêm để hoàn thiện cho chiếc xe nhằm kịp cuộc thi vào sáng hôm sau, họ được cùng nhau trải nghiệm, thử thách chính bản thân. Khi chinh phục được những đoạn đường khó, họ lại khao khát tìm đến những cung đường khó khăn hơn để tiếp tục hoàn thiện khả năng chuyên môn và từng bước đưa môn thể thao còn nhiều mới lạ này hòa nhập cùng thế giới.