Ô nhiễm không khí và vấn đề sức khỏe

Ô nhiễm không khí đang tiếp tục có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ô nhiễm không khí không chỉ tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội, mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Ô nhiễm khói, bụi tại các thành phố lớn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)
Ô nhiễm khói, bụi tại các thành phố lớn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)

Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, ô nhiễm không khí ở Việt Nam tiếp tục là một trong các vấn đề nóng về môi trường. Không khí bị ô nhiễm chủ yếu là do bụi (TSP, PM10, PM2.5), nhất là ô nhiễm bụi ở các đô thị lớn, một số khu công nghiệp, khu vực khai thác khoáng sản và tại một số làng nghề.

Nguyên nhân chính là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả... Ô nhiễm không khí đã và đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, nhất là người dân sống tại các đô thị lớn trên cả nước.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, cứ 10 người thì có chín người phải hít thở bầu không khí có chứa các chất gây ô nhiễm ở mức cao. Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi. Trẻ em, phụ nữ, phụ nữ mang thai, người già, người có thể trạng yếu, người đang mang bệnh là những người phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ô nhiễm không khí.

Theo thống kê của WHO, mỗi năm, trên thế giới có khoảng bảy triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí như các bệnh tim mạch, phổi và đột quỵ. Trong khi đó, hằng ngày có khoảng 93% số trẻ em trên thế giới dưới 15 tuổi (tương đương với 1,8 tỷ trẻ em) phải hít thở bầu không khí ô nhiễm khiến cho sức khỏe và sự phát triển của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chất ô nhiễm có hại nhất cho sức khỏe, liên quan chặt chẽ với tử vong sớm là hạt mịn PM2.5 thâm nhập sâu vào đường phổi. Tại Việt Nam, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, thì có sáu bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí.

Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là một trong năm nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất. Trong khi đó, theo thống kê của Tổ chức Thông tin về chất lượng không khí toàn cầu IQAir AirVisual dựa trên mức đo về lượng bụi siêu mịn PM2.5/m3, Việt Nam đứng thứ 17, trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nằm trong tốp những thành phố ô nhiễm không khí cao trên thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung (Trường đại học Y tế công cộng) cho biết, hiện nay cơ chế ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, có hai cơ chế được tán thành bao gồm phản ứng viêm, ứng kích ô-xi hóa với các độc tố trong thành phần các chất ô nhiễm. Đối với phản ứng viêm, chất ô nhiễm không khí có thể kích hoạt phản ứng của cytokin (một dạng tế bào truyền tin trong hệ thống miễn dịch) và hoạt hóa phản ứng viêm để cơ thể chống lại những tác nhân ngoại lai.

Phản ứng viêm này được đặc trưng bởi một số triệu chứng gồm: sưng, nóng, đỏ, đau. Mặc dù là cơ chế bảo vệ, nhưng phản ứng viêm quá mức cũng có thể gây ra một số bệnh, nhất là liên quan đến hệ hô hấp như viêm phổi hay tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD). Về ứng kích ô-xi hóa, các chất ô nhiễm không khí gồm các thành phần có chứa nhiều gốc tự do. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, các chất này có thể tác động đến tế bào bằng cách lấy đi những hạt electron (những hạt mang điện tích âm) của các hợp chất trong cơ thể người dẫn đến một số phản ứng viêm.

Ô nhiễm không khí có thể tác động ngắn hạn hoặc dài hạn lên sức khỏe. Đối với ngắn hạn, những tác động này có thể xảy ra sau khi phơi nhiễm với ô nhiễm không khí trong thời gian ngắn (khoảng vài ngày hoặc vài giờ). Ngược lại, phơi nhiễm trong khoảng thời gian dài tác động lên sức khỏe sau một hoặc nhiều năm.

Nhằm chủ động kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm đến mức thấp nhất tác động đến sức khỏe người dân, ngày 23/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1973/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí chung quanh, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Để thực hiện những mục tiêu nêu trên, nhất là giảm tác hại sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra, các chuyên gia môi trường và y tế cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả; công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng.

Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, bảo đảm đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng, miền trên phạm vi cả nước... Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí...

Về phía ngành y tế, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm không khí đến bệnh tật, sức khỏe cộng đồng và đề xuất các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trước hết tại các khu đô thị lớn, địa bàn tập trung nhiều nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm cao làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường không khí.

Tập trung chỉ đạo, kiểm tra thực hiện việc quan trắc các tác động từ hoạt động của ngành y tế đối với môi trường không khí; tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí từ các lò đốt chất thải y tế. Kịp thời thông tin, cảnh báo các nguy cơ và tác hại của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người để người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống như: hạn chế ra đường, nếu đi ra đường phải luôn đeo khẩu trang; thường xuyên tập thể dục và ăn uống điều độ để nâng cao sức đề kháng, nhất là có thể sử dụng phương pháp thải độc phổi để giảm sự ảnh hưởng của bụi mịn trong cơ thể mình...