Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai gửi lẵng hoa chúc mừng.
Giải thưởng do Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì, cùng sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự phối hợp tổ chức của: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh, xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023 được phát động với chủ đề "Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo" nhằm phát hiện, tôn vinh và cổ vũ các tập thể, cá nhân có các sản phẩm khoa học, công nghệ đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Với chủ đề "Kết nối dữ liệu - Kiến tạo giá trị", lĩnh vực công nghệ số là lĩnh vực cốt lõi của giải thưởng Nhân tài Đất Việt, được Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp chỉ đạo, Tập đoàn VNPT đồng hành tổ chức.
Chương trình nghệ thuật mở đầu cho buổi lễ trao giải. |
Năm nay, lĩnh vực công nghệ số thu hút nhiều sản phẩm dự thi từ các tác giả trẻ ở độ tuổi 19-30 tuổi, đặc biệt nhiều sản phẩm từ các doanh nghiệp đã có thương hiệu trên thị trường công nghệ và đã đạt nhiều giải thưởng trong nước. Vòng thi chung khảo lĩnh vực công nghệ số Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023 đã diễn ra vào ngày 17/12 tại Hà Nội.
Được khởi xướng từ năm 2005, với mục tiêu ban đầu là tìm kiếm và tôn vinh các tài năng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin của Việt Nam, trải qua 18 năm hoạt động với 16 lần trao giải, Nhân tài Đất Việt đã trở thành Giải thưởng có quy mô lớn và uy tín hàng đầu Việt Nam, không ngừng mở rộng và phát triển các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Khoa học công nghệ, Y dược, Môi trường...
Tính đến nay, Giải thưởng đã thu hút trên 7.500 tác giả, nhà khoa học với hơn 3.600 sản phẩm và công trình khoa học dự thi. Giải đã tôn vinh 210 sản phẩm công nghệ thông tin và công trình khoa học, trong đó có 50 sản phẩm được áp dụng triển khai ra thị trường khu vực và thế giới.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cùng trao giải Nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt thuộc lĩnh vực công nghệ số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Lễ trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023. |
Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, truyền thống chăm lo việc gây dựng nhân tài, tiến cử người hiền tài, tôn vinh và trọng dụng nhân tài luôn được ông cha ta quan tâm, chú trọng, kế thừa và phát triển qua bao nhiêu thế hệ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; quý vị đại biểu, khách quý; đặc biệt là 20 đơn vị, 110 cá nhân có những công trình khoa học xuất sắc được tôn vinh ngày hôm nay lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
GS, TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023 phát biểu khai mạc buổi lễ. |
Thủ tướng nêu rõ, Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng là một chương trình có ý nghĩa khoa học và xã hội lớn, là sân chơi rộng mở để khẳng định, tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo của các nhân tài Việt Nam, động viên và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học có giá trị, tác động tích cực trên các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.
Trải qua 17 mùa giải không ngừng mở rộng và phát triển, Thủ tướng vui mừng được biết Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” đã trở thành chương trình uy tín, kết nối hiệu quả giữa chuỗi các sự kiện nghiên cứu sáng tạo và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào cuộc sống; thu hút sự tham gia của trên 7.200 cá nhân, tập thể, những tài năng công nghệ thông tin và các nhà nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau; trong đó có những nhà khoa học chuyên và không chuyên; những giáo sư, tiến sĩ đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ; những nhà nông giỏi, luôn kiên trì tìm tòi, phát triển các phương tiện kỹ thuật mới để giải phóng sức lao động cơ bắp trên đồng ruộng; những người thợ lành nghề luôn khát vọng vươn lên, không ngừng nâng cao năng suất lao động, chinh phục những đỉnh cao mới trong sản xuất. Họ là những nhân tài Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc, ở cả trong nước và nước ngoài.
Các đại biểu tham dự lễ trao giải. |
Đây là những minh chứng sống động của tinh thần học tập suốt đời, “Học không bao giờ cùng” . Học tập suốt đời sẽ mang cho chúng ta những tri thức mới; có tri thức mới, chúng ta sẽ làm chủ được công nghệ và sẽ sáng tạo ra công nghệ. Học tập suốt đời là phát huy truyền thống khuyến học, khuyến tài quý báu của dân tộc Việt Nam, phù hợp với bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng, sự linh hoạt, sáng tạo của con Lạc, cháu Hồng, đúng như Chủ tịch Hồ kính yêu từng căn dặn: “Biết ham học... Biết rồi, ta học thêm. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”.
Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” đã góp phần khẳng định với khu vực, thế giới về trí tuệ Việt Nam, sản phẩm Việt Nam, thương hiệu Việt Nam và tiềm năng Việt Nam và con người Việt Nam.
Qua 17 mùa giải, có tới 3.400 sản phẩm khoa học tham dự, trong đó có 210 công trình đã được tôn vinh; đặc biệt có 50 công trình đã vươn ra thị trường khu vực và thế giới như Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Anh, Italia, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Có sản phẩm được đứng ở top 5 ứng dụng tốt nhất tại Hội nghị thường niên dành cho các lập trình viên do Google tổ chức (Google I/O); có tổ chức được trao giải đã lọt vào top 5 các doanh nghiệp công nghệ cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương hoặc top 100 doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu toàn cầu.
Riêng tại Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” năm 2023 đã có 20 sản phẩm của 20 đơn vị, 110 cá nhân được vinh dự nhận giải. Đó là những sản phẩm có giá trị kinh tế, xã hội và sức lan tỏa lớn, tiêu biểu như: Công trình“Ứng dụng Công nghệ đập trụ đỡ và các giải pháp khoa học mới trong thiết kế, thi công công trình cống Cái Lớn - Cái Bé” của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam do GS. TS. Trần Đình Hòa làm chủ nhiệm; tập thể tác giả đã đề xuất các giải pháp công nghệ tiên tiến, ưu việt, vừa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, vừa giúp tiết kiệm chi phí xây dựng từ 25%-35%, rút ngắn thời gian thi công 8 tháng và tiết kiệm được quỹ đất sản xuất;
Sản phẩm “Phần mềm số hóa và mô phỏng DKS - SINOVA” đã tạo ra môi trường trường mô phỏng trên máy tính, giúp sinh viên trải nghiệm thực hành như trên thiết bị thật nhưng an toàn hơn và có thể thực hiện nhiều lần với nhiều kỹ năng; giúp vừa giảm chi phí đầu tư, vừa tạo ra không gian cho sinh viên sáng tạo và giải quyết các vấn đề thực tế. Và còn nhiều sản phẩm khoa học có giá trị khác mà thời gian không cho phép nêu hết. Đó là thành quả của những ngày đêm miệt mài nghiên cứu; ý chí, nghị lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; tinh thần, quyết tâm học tập thường xuyên, lao động cần cù, học đi đôi với hành, nghiên cứu khoa học và sáng tạo tri thức mới ngay trong quá trình học tập, sản xuất; lấy phục vụ dân sinh làm mục đích hoạt động của mình.
Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” đã góp phần khẳng định với khu vực, thế giới về trí tuệ Việt Nam, sản phẩm Việt Nam, thương hiệu Việt Nam và tiềm năng Việt Nam và con người Việt Nam.
Thay mặt lãnh Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những tập thể, cá nhân đã có những công trình khoa học xuất sắc, được tôn vinh trong suốt chặng đường 17 năm Giải thưởng được tổ chức nói chung và của Giải thưởng năm 2023 nói riêng. Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương Hội Khuyến học Việt Nam cùng các cơ quan, đoàn thể và các nhà tài trợ đã luôn nhiệt tình, tâm huyết duy trì bền vững giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” trong những năm qua, đóng góp tích cực trong sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của dân tộc và những thành tựu chung của đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, khó lường, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; mỗi quốc gia, doanh nghiệp và từng cá nhân muốn phát triển phải không ngừng học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra những giá trị mới phù hợp với tiến trình phát triển. Trong quá trình đó, con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 xác định nhiệm vụ: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội…”; góp phần hướng tới mục tiêu đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị: các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về thu hút và trọng dụng nhân tài; nhất là Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Trung ương về “tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới” và “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Chủ động triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học, phục vụ thiết thực, hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Những viện nghiên cứu khoa học và các học viện cần được động viên và tạo điều kiện tốt hơn nữa để hướng dẫn, bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ trong triển khai các đề tài nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.
Đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp xây dựng xã hội học tập theo Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 09/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Phòng trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”. Theo đó:
Tập trung phát triển hệ thống giáo dục mở nhằm bảo đảm công bằng về cơ hội học tập và bình đẳng xã hội về điều kiện học tập, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận hệ thống giáo dục mở.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải Nhất lĩnh vực Công nghệ số cho nhóm tác giả. |
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” để không ngừng chăm sóc, vun trồng, hình thành những “Công dân học tập”. Với hàng trăm nghìn người trở thành công dân học tập mỗi năm, đất nước sẽ có một kho tàng lớn về tài năng, sẽ có tài nguyên trí tuệ dồi dào để xây dựng một đội ngũ nhân lực chất lượng ngày càng cao.
Ban tổ chức giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” cần phát huy kết quả đạt được; đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các lĩnh vực khoa học phù hợp khác vào Giải thưởng như khoa học sư phạm, khoa học giáo dục với những công trình nghiên cứu về mô hình trường học thông minh, lớp học trực tuyến, tài nguyên giáo dục số hóa, đặc điểm tâm lý của học sinh và sinh viên trong kỷ nguyên số, đặc biệt là phát triển giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Quang cảnh buổi lễ. |
Nhân dịp Chương trình này, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng những cá nhân và tập thể tham gia và được vinh danh tại Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” sẽ tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ, ấp ủ hoài bão, không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu học tập, nghiên cứu để có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo nhiều sản phẩm khoa học mới, đóng góp nhiều hơn nữa, xứng đáng hơn nữa cho cộng đồng, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng chúc Hội Khuyến học Việt Nam luôn đi đầu trong phong trào khuyến học, khuyến tài để tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta và mãi thắp sáng lên ngọn lửa Lạc Hồng.