Nước ngọt đến với hơn 100.000 hộ dân vùng hạ Long An

NDO -

Long An đang bước vào cao điểm mùa xâm nhập mặn 2022, hơn 100.000 hộ dân ở các huyện vùng hạ (Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ) của tỉnh Long An không còn cảnh thiếu nước ngọt và phải mua với giá từ 50.000 đến khoảng 100.000 đồng/m3 như những năm trước. 

Nước sạch đạt Quy chuẩn 2 của Bộ Y tế của Nhà máy nước Nhị Thành đã đến với nhân dân vùng hạ trong mùa xâm nhập mặn 2022.
Nước sạch đạt Quy chuẩn 2 của Bộ Y tế của Nhà máy nước Nhị Thành đã đến với nhân dân vùng hạ trong mùa xâm nhập mặn 2022.

Đây là quyết tâm của chính quyền Long An trong việc đầu tư các công trình tăng áp, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư tuyến ống dài 45 km dẫn nước sạch đạt Quy chuẩn 2 của Bộ Y tế từ Nhà máy nước Nhị Thành (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP-Long An, huyện Thủ Thừa) về vùng hạ phục vụ nhân dân. 

Bà Đỗ Thị Nhạn, ấp 3, xã Phước Vĩnh Tây (huyện Cần Giuộc, Long An) cho biết: Trước đây, cứ đến mùa xâm nhập mặn, bà con ở khu vực vùng hạ này phải mua nước ngọt từ các xe bồn để sử dụng với giá 50 nghìn đến 100 nghìn đồng/m3 tùy theo đường vận chuyển. Mùa xâm nhập mặn năm nay, người dân nơi đây không phải lo thiếu nước ngọt, mà còn được sử dụng nước sạch chỉ với giá 12.000 đồng/m3

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc Ngô Bảo Quốc cho biết: Toàn huyện hiện có 6 công ty cấp nước tư nhân, 128 trạm cấp nước nông thôn cung cấp cho khoảng 34.200 hộ dân sử dụng. Sau khi DNP-Long An đưa vào vận hành tuyến ống dẫn nước sạch từ Nhà máy nước Nhị Thành (Thủ Thừa, Long An) về đấu nối vào hệ thống mạng lưới cấp nước trên địa bàn huyện đã nhanh chóng nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh lên 98,6%; trong đó, có 77% hộ dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn của Bộ Y tế. 

Người dân ở huyện Tân Trụ cũng rất phấn khởi vì tất cả được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 76,8% hộ dân sử dụng nước sạch đạt theo Quy chuẩn 2 của Bộ Y tế. 

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước Tây (Tân Trụ) Lê Trung Hậu cho biết: Từ năm 2021 về trước, đến mùa xâm nhập mặn, nhân dân trên địa bàn xã phải sống trong cảnh thiếu nước hợp vệ sinh để sinh hoạt. Còn mùa xâm nhập mặn 2022, nước hợp vệ sinh đã đến với 100% hộ dân trên địa bàn xã; trong đó, có trên 98% hộ sử dụng nước sạch đạt theo Quy chuẩn 2 của Bộ Y tế. 

Còn ở huyện Cần Đước đang phối hợp DNP-Long An triển khai tuyến ống dẫn nước sạch về đấu nối vào các công ty cấp nước tư nhân và các trạm cấp nước tập trung để phục vụ nhân dân. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước Đào Hữu Tấn cho biết: Địa phương đang tích cực làm việc với DNP-Long An để sớm dẫn nước sạch về phục vụ nhân dân trên toàn địa bàn huyện. Khi nguồn nước của Nhà máy nước Nhị Thành dẫn về đến địa phương thì tất cả các hộ kinh doanh bắt buộc phải đấu nối với đơn vị này để bảo đảm chất lượng nước sạch phục vụ nhân dân. 

Nước ngọt đến với hơn 100.000 hộ dân vùng hạ Long An -0
 Công nhân Nhà máy nước Nhị Thành lấy mẫu nước kiểm tra mỗi ngày trước khi cấp nước cho nhân dân sử dụng. 

Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP-Long An Trần Tấn Lợi cho biết: Sau 3 năm đưa vào vận hành, Nhà máy nước Nhị Thành đã cung cấp đủ nước sạch đạt Quy chẩn 2 của Bộ Y tế cho cư dân các huyện Thủ Thừa, Bến Lức, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An sử dụng. 

Hiện DNP-Long An đã thực hiện chủ trương của tỉnh là kéo một tuyến ống về đến Cảng quốc tế Long An để cung cấp nước sạch cho cư dân các xã vùng hạ của 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước. Công ty đang tiến hành khảo sát tuyến ống để dẫn nước sạch từ ngã tư Rạch Đào về thị trấn Cần Đước để cấp nước cho nhân dân trên địa bàn thị trấn và 3 xã Phước Tuy, Tân Ân và Tân Chánh, phục vụ cho khoảng 20.000 người dân. DNP-Long An đang đầu tư 210 tỷ đồng nâng công suất cấp nước Nhà máy nước Nhị Thành lên 60.000 m3/ngày/đêm, dự phòng lên 80.000m3/ngày/đêm, dự kiến đầu tháng 9/2022 đưa vào vận hành phục vụ nhân dân. 

Long An hiện có khoảng 1.400 trạm cấp nước nông thôn, đáp ứng nhu cầu cho 256.283 hộ dân. Để nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn 2 của Bộ Y tế lên 58% trong năm 2022, UBND tỉnh Long An đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động tổ chức, doanh nghiệp, tích cực tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển các dự án nước sạch có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào việc cấp nước nông thôn. 

Tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách cho huyện, xã, vốn doanh nghiệp đầu tư nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn để giúp khoảng 70% hộ dân nông thôn hưởng thụ nước sạch đạt Quy chuẩn 2 của Bộ Y tế vào cuối năm 2025. 

Việc khai thác nguồn nước mặt xử lý thành nước sạch để phục vụ nhân dân không chỉ góp phần giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm mà còn góp phần giảm sụt lún đất, hạn chế xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.