Năm 2050, 31 triệu người Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng
Các cuộc điều tra của Climate Central, một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ được công bố trên tạp chí Nature Communications, đã tìm cách khắc phục những sai lệch trong bộ dữ liệu độ cao được sử dụng trước đây để tìm ra đường bờ biển nội địa sẽ bị ngập sâu đến mức nào.
Theo đó, các nhà khoa học cảnh báo, trong nửa sau của thế kỷ 21 và sau đó nữa, liệu đường bờ biển toàn cầu trên bản đồ ngày nay có còn được các thế hệ tương lai nhận ra hay không tùy thuộc vào các lựa chọn được đưa ra hôm nay.
Theo nghiên cứu, những cơn bão ngày càng mạnh và nước biển dâng sẽ tấn công mạnh nhất vào châu Á. Hơn hai phần ba dân số có nguy cơ chịu thiệt hại là ở Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.
Các thành phố lớn, bao gồm Bangkok, Hồng Kông, Thượng Hải, Thái Châu, Surabaya, Dhaka, Mumbai, thành phố Hồ Chí Minh và Osaka có hàng triệu người sẽ sống trong lũ lụt.
Dữ liệu độ cao được cải thiện cho thấy ngay cả khi giảm phát thải khí nhà kính vừa phải, sáu quốc gia châu Á (Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan), nơi có tới 237 triệu người sống hiện nay, có thể phải đối mặt với các mối đe dọa lũ lụt hàng năm vào năm 2050, gấp hơn bốn lần so với các đánh giá dựa trên dữ liệu độ cao hiện hành là 54 triệu người.
Ước tính số người chịu ảnh hưởng mới so với ước tính cũ: Trung Quốc: 93 triệu so với 29 triệu Bangladesh: 42 triệu so với 5 triệu Ấn Độ: 36 triệu so với 5 triệu Việt Nam: 31 triệu so với 9 triệu Indonesia: 23 triệu so với 5 triệu Thái Lan: 12 triệu so với 1 triệu |
Bản đồ so sánh số liệu của hai nghiên cứu về dân số của các nước bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng. Màu vàng là dữ liệu trước đó của NASA, màu tím là số liệu mới của Climate Central.
Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng cả nước biển dâng và sụt lún do khai thác nước ngầm
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để điều chỉnh dữ liệu độ cao mặt đất hiện đang bị đánh giá thấp về mức độ mà các vùng ven biển phải chịu lũ lụt khi có thủy triều lớn hoặc bão lớn.
Đồng tác giả Ben Strauss, nhà khoa học và giám đốc điều hành của Climate Central cho biết: "Dự đoán mực nước biển không thay đổi. Nhưng khi chúng tôi sử dụng dữ liệu độ cao mới của mình, chúng tôi thấy nhiều người sống ở các khu vực dễ bị tổn thương hơn được hiểu trước đây".
Dân số toàn cầu đang được dự đoán tăng thêm hai tỷ vào năm 2050 và thêm một tỷ vào năm 2100, chủ yếu ở các siêu đô thị ven biển sẽ bị buộc phải thích nghi hoặc di chuyển ra khỏi vùng bị phương hại.
Nghiên cứu cho thấy ngày nay, hơn 100 triệu người sống dưới mức thủy triều cao, một số được bảo vệ bởi đê, nhưng hầu hết là không.
"Chúng tôi ước tính một tỷ người hiện đang sống ở vùng đất thấp hơn 10m so với các dòng thủy triều cao hiện nay, trong đó có 250 triệu người dưới 1m", nhóm nghiên cứu nói với Tạp chí Nature Communications. Mực nước biển đã tăng lên trên toàn cầu hơn 3mm mỗi năm trong những thập kỷ gần đây, với sự gia tăng trong xu hướng này hiện có thể quan sát được.
Nhà khoa học Scott Kulp, tác giả chính trong nghiên cứu của Climate Central nói: "Biến đổi khí hậu có khả năng định hình lại các thành phố, nền kinh tế, bờ biển và toàn bộ khu vực trên toàn cầu. Khi mực nước tăng cao hơn mặt đất mà mọi người gọi là nhà, các quốc gia sẽ ngày càng phải đối mặt với các câu hỏi về việc bao nhiêu và bao lâu các tuyến phòng thủ ven biển có thể bảo vệ chúng."
Ngay cả chúng ta có giảm khí thải nhà kính nhanh chóng ngày hôm nay thì cũng chỉ có tác động rất nhỏ đến quá trình nước biển dâng trong những thập kỷ tới.
Nhà khoa học Strauss nói: "Khi chúng ta bước vào cuối thế kỷ, sự khác biệt tích lũy giữa các kịch bản ô nhiễm cao và thấp trở nên lớn hơn nhiều. Nhiều yếu tố đe dọa dân cư sống trong phạm vi bờ một vài mét mực nước biển”.
Nếu sự nóng lên toàn cầu bị giới hạn dưới 2 độ C theo mục tiêu nền tảng của hiệp ước khí hậu Paris thì mực nước biển dự kiến sẽ tăng khoảng nửa mét vào năm 2100. Tuy nhiên, với tốc độ ô nhiễm carbon hiện nay, mức tăng sẽ gần gấp đôi. Thành phần thứ hai là bão nhiệt đới, lốc xoáy được khuếch đại bởi bầu không khí ấm lên cũng là yếu tố tàn phá bờ biển.
Phân tích của nhóm Climate Central còn sử dụng các khảo sát về bờ biển để đánh giá rủi ro lũ lụt trong tương lai. Và tại một số địa điểm, những rủi ro trong tương lai chỉ là một phần liên quan đến mực nước biển dâng. Một số siêu đô thị ven biển của thế giới có thêm thách thức về sụt lún do mặt đất đang xuống nhanh hơn 10 lần so với nước đang lên. Điều này đúng với những nơi như Jakarta, thành phố Hồ Chí Minh và Bangkok, nơi có quá nhiều nước ngầm được khai thác từ đất bên dưới.
Triều cường gây ngập lụt ở thành phố Hồ Chí Minh tháng 9 vừa qua, nơi sẽ bị ảnh hưởng "đúp" cả nước biển dâng vào năm 2050.