Núi lửa Wolf trên quần đảo Galapagos, Ecuador phun trào

NDO -

Các nhà chức trách Ecuador xác nhận núi lửa Wolf, nằm trên quần đảo Galapagos của nước này, đã phun trào trở lại sáng 7/1 theo giờ địa phương, đe dọa các sinh vật độc nhất vô nhị đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Núi lửa Wolf, Ecuador phun trào sau gần 7 năm “ngủ yên”.
Núi lửa Wolf, Ecuador phun trào sau gần 7 năm “ngủ yên”.

Theo thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu Ecuador, vụ phun trào đã tạo ra dòng dung nham rực đỏ cùng đám mây khí và tro bụi kỷ lục với độ cao từ 3.793m so với mực nước biển về phía đông bắc và 1.943m về phía tây.

Hiện, vụ phun trào không gây nguy hiểm đến tính mạng con người vì chung quanh khu vực núi lửa Wolf không có người dân định cư.

Lần gần nhất núi lửa Wolf phun trào là vào ngày 25/5/2015 sau vài thập kỷ "ngủ yên".

Núi lửa Wolf là ngọn núi lửa cao nhất trong quần đảo Galapagos, với độ cao 1.770m so với mực nước biển và là một trong 5 ngọn núi lửa đang hoạt động trên đảo Isabela, cùng với Sierra Negra, Cerro Azul, Alcedo và Darwin.

Ban Giám đốc Công viên Quốc gia Galapagos cho biết sườn núi lửa Wolf là nơi sinh sống của các loài động vật vô cùng quý hiếm như loài cự đà hồng duy nhất trên thế giới, cự đà vàng, rùa khổng lồ, bồ nông, chim cánh cụt, cua đỏ và sư tử biển. Hầu hết đều đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Núi lửa Wolf ở quần đảo Galapagos, Ecuador phun trào -0

Cự đà hồng sinh sống tại khu vực núi lửa Wolf, quần đảo Galapagos.

Đảo Isabela là một phần của quần đảo Galapagos. Năm 1978, quần đảo Galapagos được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (Unesco) là Di sản thiên nhiên đầu tiên của nhân loại vì sự đa dạng sinh học và nét đặc trưng của các loài tự sinh.

Vào thế kỷ XIX, hòn đảo này chính là nơi nhà sinh vật học người Anh Charles Darwin thực hiện các nghiên cứu về thuyết tiến hóa và ông đã cho rằng hệ thống động, thực vật ở đây như từ một thế giới khác do quá đa dạng và lạ lẫm.