Đam mê trồng rau sạch hữu cơ

Với vốn kiến thức và kinh nghiệm làm nông nghiệp sạch đã tích lũy được trong suốt những năm lao động ở nước ngoài, bà Đặng Thị Cuối, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) đã khởi nghiệp thành công khi quyết định đầu tư xây dựng trang trại trồng rau sạch hữu cơ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều người.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Đặng Thị Cuối (thứ hai từ trái sang) tại lễ vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022.
Bà Đặng Thị Cuối (thứ hai từ trái sang) tại lễ vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022.

Vốn là một trong những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Đan Phượng, năm 2004, để tìm đường thoát nghèo, hai vợ chồng bà Đặng Thị Cuối đã lựa chọn con đường đi xuất khẩu lao động. Sang Đài Loan (Trung Quốc), bà Cuối làm công nhân ở những trang trại rau sạch. Được tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại, bà đã chủ động học tập, tích cóp kinh nghiệm trồng rau.

Năm 2017, vợ chồng bà Cuối, ông Quý đã hoàn thành khóa tự học nghề trồng rau sạch trở về nước. Với số vốn ban đầu khoảng 500 triệu đồng, vợ chồng bà đầu tư xây dựng một khu nhà màng, nhà lưới trên diện tích 1.360m2 của gia đình.

Sau hơn bốn tháng, lứa rau đầu tiên xanh tốt được thu hoạch, bà Cuối rất mừng. Tuy vậy, khi mang ra chợ bán, không ai dám mua vì thấy rau quá đẹp, sợ bị phun thuốc kích thích. Vợ chồng bà Cuối đã mang rau đi tặng cho mọi người. Nhiều người ăn thử thấy rau ngon thì tìm đến tận vườn để mua. Họ được tận mắt chứng kiến công trình rau sạch mà vợ chồng bà Cuối đầu tư cho nên tin vào chất lượng của sản phẩm. Những lứa rau sau của vợ chồng bà Cuối trồng không đủ bán.

Năm 2018, vợ chồng bà Cuối thuê thêm đất trên địa bàn xã Đan Phượng để mở rộng diện tích canh tác, đầu tư xây dựng hơn 20 khu nhà màng, nhà lưới cùng hệ thống tưới nước tự động; đồng thời thành lập Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý. Đến nay, trang trại của gia đình bà đã phát triển với tổng diện tích 46.292m2, sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, an toàn và áp dụng công nghệ sản xuất hữu cơ.

Hiện tại, hầu hết sản phẩm của Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý được các đơn vị đặt hàng ngay từ vườn với giá ổn định. Mỗi ngày Hợp tác xã cung cấp từ hai đến bốn tấn rau xanh các loại cho 16 trường mẫu giáo trong huyện và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, thu về từ 50 đến 100 triệu đồng. Trung bình sản lượng hằng năm đạt từ 50-80 tấn rau quả các loại, cho doanh thu đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/năm.

Nhiều sản phẩm của Hợp tác xã đã được thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Với việc phát triển mô hình trang trại rau sạch hữu cơ, vợ chồng bà Cuối không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho 25 lao động thường xuyên, thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng và 40-60 lao động thời vụ có thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.

Bà Cuối còn chuyển giao kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm trồng rau sạch cho nhiều hộ nông dân trong và ngoài địa bàn. Bà chia sẻ: “Nhờ rau hữu cơ tôi có cơ hội giúp được nhiều bà con nghèo làm ăn ổn định. Mỗi một đối tượng, tôi đều tư vấn cho họ một hướng làm phù hợp. Người không có điều kiện đầu tư thì tôi tư vấn các cây trồng truyền thống; người có vốn, có dự án thì tôi giúp họ xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tôi thấy cuộc sống thật sự ý nghĩa khi được giúp ích cho cộng đồng…”.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, bà Cuối mong rằng sẽ có thêm nhiều cơ hội để được truyền lửa đam mê với nông nghiệp với các thế hệ trẻ hôm nay. “Nếu tìm được quỹ đất lâu năm, tôi ấp ủ xây dựng mô hình nông nghiệp trải nghiệm cho học sinh, mô hình trải nghiệm nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp trải nghiệm truyền thống. Ở đó, các bạn trẻ được tự tay đắp be bờ ruộng, được tát nước bằng gàu dây, được gặt lúa, cấy lúa… để các bạn trẻ hiểu được nền nông nghiệp giàu truyền thống và phát triển đáng tự hào của Việt Nam”, bà Cuối nói thêm. Với những thành tích nêu trên, bà Cuối vinh dự là một trong 10 cá nhân tiêu biểu được thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022.