Nữ nhà văn Di Li kể chuyện “tật xấu” của người Việt

NDO - Được ấp ủ trong suốt 18 năm, “Tật xấu của người Việt” là cuốn sách đầu tiên của nhà văn Di Li mang tính khảo cứu tâm lý về tính cách của người Việt, dựa trên nghiên cứu các góc độ văn hóa học, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học…, tham khảo sách nghiên cứu của nhiều học giả đồng thời cũng là những kinh nghiệm được đúc rút từ cuộc sống của chính tác giả.
0:00 / 0:00
0:00
Nữ nhà văn Di Li kể chuyện “tật xấu” của người Việt

“Tật xấu người Việt” bao gồm 48 câu chuyện về tính tự ái, trọng tình hơn lý, sự phiến diện, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách, lười biểu hiện cảm xúc tích cực mà chỉ ưa nói thẳng những điều tiêu cực, chê vùi dập khen bốc giời, vô duyên hay xen vào chuyện cá nhân, trọng nam khinh nữ, hay cả nể, hay gây ồn ào, quan cách, ưa hối lộ, tham nhũng vặt, ưa thành tích, thích làm thầy không thích làm thợ, sính bằng cấp, học chỉ để thăng tiến, thiếu tính độc lập, sĩ diện, hay khoe khoang, tham lam chủ nghĩa, không bảo vệ tài sản công cộng, ích kỷ, nghĩ ngắn chỉ thấy lợi ích trước mắt, thói quen phạm luật, không bao giờ biết đủ, lãng phí… Sách do Nhã Nam phối hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Nói về cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Tôi đã đọc bản thảo cuốn sách từ trước khi phát hành và phát hiện ra rằng, mọi thói hư tật xấu trong sách đều có tôi trong đó. Có lẽ đây là cuốn sách đầu tiên của một nhà văn viết về tật xấu của người Việt. Tôi cũng hiểu được tại sao Di Li cần tới 18 năm để hoàn thành cuốn sách. 18 năm là khoảng thời gian để cô ấy sống, quan sát, suy ngẫm, đúc kết và viết từ những trải nghiệm của mình”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét, cuốn sách của Di Li được viết từ những góc độ khác nhau: từ con mắt của một nhà văn, từ góc độ chính trị học, kinh tế học, văn hóa học, xã hội học… Di Li “nhìn” thấy những tật xấu của người Việt từ trong cả những ngôi nhà đóng kín cửa, cho đến những tật xấu ngoài xã hội, nơi công cộng. Đó là vì cô quan sát bằng cái nhìn từ bên trong, chứ không phải cái nhìn từ người ngoài cuộc, như cách nhìn của những người nước ngoài đối với người Việt.

Đặc biệt, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, cuốn sách tuy viết về những thói hư tật xấu, nhưng người đọc sẽ không thấy tức giận, tự ái, bởi vì Di Li viết về những tật xấu đó một cách khoa học nhất, nhân văn nhất, có sự yêu thương và tự trọng với dân tộc rất cao. “Chỉ khi yêu dân tộc, yêu xứ sở của mình như vậy mới viết được như thế, với mong muốn một ngày nào đó, những tật xấu này sẽ biến mất” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Còn nhà báo Yên Ba, người viết lời tựa cho cuốn sách cho rằng, viết về tật xấu của người khác là một công việc đầy rủi ro. Viết về tật xấu của một dân tộc, hơn thế, là một công việc nguy hiểm. Nhưng tác phẩm này là một trong những bước đi văn chương đầu tiên cho thấy người Việt, ở đây là người viết, người xuất bản, người đọc, đang trưởng thành. “Cuốn sách là một tấm gương lớn để người Việt soi mình vào trong đó” – nhà báo Yên Ba nói.

Nữ nhà văn Di Li kể chuyện “tật xấu” của người Việt ảnh 1

Nhà văn Di Li. (Ảnh: Nhã Nam)

Chia sẻ về cuốn sách của mình, Di Li cho biết, đây là cuốn sách tự trào, được viết với giọng văn hài hước. Cô cũng cho rằng, khi phát hành, có thể sách sẽ gây tranh cãi, nhưng sẽ không có gì gay gắt, bởi cô có những cách để phê bình khiến người nghe không thấy khó chịu.

Để viết được cuốn sách, không chỉ mất tới 18 năm quan sát, suy ngẫm, mà Di Li còn đọc tới hàng chục cuốn sách khảo cứu, nghiên cứu của các học giả, nhất là các học giả Pháp thời trước viết về người Việt. “Khi đọc và thấy có rất nhiều người cùng đưa ra một nhận xét nào đó về người Việt, tôi mới yên tâm viết cuốn sách của mình” – nữ tác giả chia sẻ.

Nữ nhà văn Di Li kể chuyện “tật xấu” của người Việt ảnh 2

Nhà văn Di Li và nhà báo Phan Đăng trong buổi giới thiệu cuốn sách. (Ảnh: Nhã Nam)

Mất 18 năm ròng để hoàn thành, cho nên cuốn sách cũng là tâm huyết của nữ tác giả. Tuy nhiên, cũng có những điều mà khi viết ra, cô cũng cảm thấy buồn lòng: “Tôi đau đớn nhất là khi viết về giáo dục, một phần rất rộng. Là người làm giáo dục, cho nên tôi nhận thức rất đầy đủ về điều đó. Người Việt thông minh và ham học, nhưng lại nhằm mục đích lớn nhất là để thăng tiến, chính điều đó đã kìm hãm đối với việc phát triển của con người. Khi một đứa trẻ bị tiêm nhiễm những mục tiêu đó từ nhỏ, lại thêm căn bệnh thành tích của giáo dục, nó sẽ xác định việc học chỉ để thăng quan tiến chức chứ không phải để có kiến thức. Đó là điều khiến tôi đau đớn nhất” – Di Li chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, cuốn sách rất cần cho mỗi người chúng ta, đọc để ngẫm lại mình, thấy mình và người thân trong đó, như một tấm gương để thấy được cái xấu. “Di Li đã đặt mình vào để xem cả những ưu điểm và nhược điểm. Và với ngòi bút của một nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám, Di Li cũng có những phát hiện, tìm tòi mới” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nhận xét.

Cuốn sách “Tật xấu của người Việt” của Di Li được nhận xét là “rất dũng cảm”. Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ngài Saadi Salama cho rằng, mỗi người đều có những tật xấu nhất định. Việc một nhà văn như Di Li đã quyết định viết về tật xấu của người Việt là rất dũng cảm.

Đại sứ Morocco tại Việt Nam Jamale Chouaibi cho biết, ông gặp Di Li lần đầu tiên vào năm 2020 và đã nghe cô nói về dự án này. “Đây là một dự án khá rủi ro và cũng là chủ đề nhạy cảm ở Việt Nam. Bởi vì bản tính con người không ai muốn bị chỉ trích hay để lộ ra những tật xấu của mình. Khi đọc một vài trích đoạn, tôi hiểu rằng không dễ để có được cuốn sách. Sách đào sâu về mọi mặt mặt tâm lý, xã hội… Cuốn sách cần nhiều thời gian để hoàn thành, nhưng tôi thấy nó rất xứng đáng”. – Ngài Jamale Chouaibi nhận xét.

“Tật xấu của người Việt” là cuốn sách đầu tiên trong sách khảo cứu về tính cách người Việt hiện đại của Di Li. Cuốn sách tiếp theo là “Tính tốt người Việt”, sẽ ra mắt sau này, bởi theo Di Li: “tôi muốn có một sự tốt đẹp phía sau, giống như khi người ta thông báo một tin xấu trước rồi mới đến tin tốt”.